Đầu tư vào Cuba, con
đường đầy chông gai
Thứ Bảy, 05 tháng Tư năm 2014 08:03
Tác Giả: Đức Tâm
Đoạn đường sắt sắp tới đang được thi công, như một phần của dự án cảng Mariel, do Brazil tài trợ. Ảnh chụp ngày 28/03/2014.
REUTERS/Jorge Luis Banos
Cuối tháng Ba vừa qua, chính quyền Cuba đã thông qua Luật đầu tư nước ngoài và được đánh giá có vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế nước này.
Thế nhưng, văn bản này phải đối mặt với rất nhiều trở ngại to lớn, đặc biệt là lệnh cấm vận của Hoa Kỳ được áp dụng từ nửa thế kỷ qua.
Trước Quốc hội, ông Rodrigo Malierca, Bộ trưởng Cuba phụ trách ngoại thương và đầu tư nước ngoài, thừa nhận :
« Hiện còn tồn tại các trở ngại ngăn cản và hạn chế sự tham gia của đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế của chúng ta » và vị Bộ trưởng này liệt kê ra các thách thức : « Phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính do chính phủ Hoa Kỳ áp đặt, tình hình nợ nước ngoài, các sai lầm của quá khứ trong lĩnh vực đầu tư và những khó khăn, hạn chế do thiếu ngoại tệ ».
Hầu như chính quyền La Habana ngày nào cũng tố cáo chính sách cấm vận của Mỹ, được áp dụng từ năm 1962.
Trong mỗi kỳ hợp hàng năm của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đa số các thành viên đều lên án biện pháp này của Washington.
Thế nhưng, lệnh cấm vận Cuba lại ngày càng được củng cố trong luật pháp Hoa Kỳ, kể từ khi Quốc hội lưỡng việc Mỹ thông qua Đạo luật Torricelli, tên của dân biểu Robert Torricelli, hay còn gọi là Đạo luật về nền dân chủ Cuba, năm 1992 và Đạo luật Helms – Burton, tên của Thượng nghị sĩ Jesse Helms và dân biểu Dan Burton, còn gọi là Đạo luật về Tự do và Dân chủ liên đới Cuba, năm 1996.
Theo lệnh cấm vận, các công dân Mỹ và Cuba sinh sống tại Mỹ không được phép đầu tư vào Cuba, các chi nhánh công ty Mỹ hoặc các doanh nghiệp nước ngoài hiện diện tại Hoa Kỳ, sẽ bị trừng phạt nếu làm ăn với Cuba.
Ông Arturo Lopez-Levy, giảng dạy tại đại học Denver, Hoa Kỳ, nói với AFP là Tổng thống Mỹ Barack Obama có quyền « cấp các giấy phép cho những doanh nghiệp, doanh nhân Cuba-Mỹ, đầu tư và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân đang hình thành tại Cuba ».
Hiện đã có một số ngoại lệ được áp dụng trong thương mại giữa Mỹ và Cuba, dưới sức ép của các nhóm vận động hành lang có thế lực trong lĩnh vực chế biến nông phẩm Mỹ.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều người Cuba lưu vong tại Mỹ muốn đầu tư vào Cuba, nhất là trong ngành sản xuất đường.
Ông Esteban Morales, giảng viên trường đại học La Habana nhấn mạnh : « Chính phủ Mỹ cần phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, bởi vì Cuba là một thị trường mà một số người Mỹ rất mong muốn chiếm lĩnh ».
Trở ngại lớn thứ hai là nợ nước ngoài hiện nay chiếm một tỷ lệ lớn trong ngân sách Cuba.
Theo số liệu chính thức, nợ nước ngoài của Cuba lên tới 13,5 tỷ đô la trong năm 2010.
Trong thời gian qua, Cuba đã được một số nước như Nga, Nhật Bản, Mêhicô xóa bớt một phần nợ.
Nếu như Bộ trưởng Ngoại thương và đầu tư nước ngoài của Cuba không nêu cụ thể những sai lầm trong quá khứ, thì ông Arturo Lopez-Levy nhắc lại rằng luật đầu tư nước ngoài năm 1995 đã có nhiều chỗ gây nghẽn tắc.
Ông bình luận : « Luật năm 1995 chưa bao giờ được áp dụng một cách đầy đủ do sự trì trệ của một bộ phận trong chính quyền và có nhiều nghẽn tắc ».
Một trong những nghẽn tắc này là việc cho phép doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài được hoạt động tại Cuba.
Luật đầu tư mới vẫn mở ra khả năng này, nhưng tất cả các doanh nghiệp nước ngoài tại Cuba đều liên kết tiến hành lập xí nghiệp liên doanh trong đó các doanh nghiệp Nhà nước Cuba chiếm đa số vốn.
Bên cạnh những vấn đề nói trên, Cuba còn phải đuơng đầu với một khó khăn khác, đó là việc tuyển dụng nhân viên.
Cũng giống như trong quá khứ, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải thông qua một cơ quan phụ trách việc làm của Nhà nước Cuba để tuyển dụng, và do vậy, không thể quản lý trực tiếp nhân viên của mình.
Theo ông Esteban Morales, « Lẽ ra, cần phải loại bỏ biện pháp này. Bởi vì nó đi ngược lại các quyền của người lao động, hạn chế năng suất lao động và việc quản lý doanh nghiệp một cách lành mạnh ».
Cuối cùng, ông Arturo Lopez-Levy lấy làm tiếc là luật mới về đầu tư nước ngoài đã không chú ý tới các khoản đầu tư thông qua kiều hối, lên tới 2,6 tỷ đô la hàng năm. Đây là nguồn thu ngoại tệ đứng hàng thứ hai của Cuba, ngang bằng với nguồn thu đến từ lĩnh vực du lịch.
Nguồn kiều hối đổ chủ yếu vào lĩnh vực tư nhân đang hình thành, hiện sử dụng hơn 450000 lao động (khu vực công sử dụng tới 4 triệu nhân viên), nhưng lại nằm ngoài khuôn khổ luật pháp.
Đáng lý ra, các đầu tư đến từ kiều hối phải được hưởng những ưu đãi và khuyến khích, đặc biệt trong lĩnh vực thuế khóa, bởi vì các đầu tư này tạo ra những tác động xã hội tích cực.
Ông Lopez-Levy nhấn mạnh, để quản lý kiều hối, chỉ cần một cải cách kinh tế đơn giản : Xác định khuôn khổ pháp lý cho việc kết hợp làm ăn giữa người Cuba trong nước và ngoài nước. Thế nhưng công việc này lại bị trì hoãn một cách khó hiểu.
==
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.