Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj6kLmYKa-hPj1HvFQ9_a90KHJhUV_iUMIMpX4OuUtcp6iY8tidLohE38X7ObP2c42O5V9-qDdwu0FmyTgJjcSZI_uM_-UibAiDC_1ucag_fkHs2pV3BymecImeC0W5_uks9TF3NPCej5k/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Thursday, April 10, 2014

Những gì cản trở tiềm lực Việt Nam? Khi nào bộ trưởng phải từ chức?


Những gì Việt Nam cần học hỏi.

Khi nào bộ trưởng phải từ chức?

Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com
Thứ tư, 9 tháng 4, 2014

Các nghị sỹ Anh được dùng tiền công thuê hoặc trả phí tín dụng mua nhà ở London
Tuần này, lại có thêm một bộ trưởng ở Anh phải từ chức vì các cáo buộc liên quan đến chi tiêu công quỹ.
Bà Maria Miller, dân biểu vùng Basingstoke, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao trong chính phủ liên minh Bảo thủ và Tự do Dân chủ, đã mất chức sáng 9/4/2014.
Nhân chuyện này tôi muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện về 'căn bệnh cơ chế' ở Anh nơi có nền dân chủ lâu đời nhất thế giới nhưng cách ưu tiên về chi tiêu công cho chính các nghị sỹ quốc hội lại dễ gây hà lạm, khai man.
Ngược lại, ở Anh cũng có cơ chế cho phép hạ bệ quan chức chính phủ khá hòa bình mà không cứ phải lôi nhau ra các vụ án chồng chất như ở Việt Nam hay các vụ xử kín rùng rợn tại Trung Quốc.
Tất nhiên, mọi việc chỉ có thể diễn ra nhờ vai trò rất mạnh của báo chí độc lập, tạo sức ép không ngừng nghỉ lên quan chức chính phủ, buộc họ từ chức ngay khi phạm lỗi hoặc bị mất tín nhiệm.

Cơ chế hạ bệ

Vụ bà Maria Miller đã có nguyên do từ tháng 12/2012 khi tờ Daily Telegraph nói bà khai khống chi tiêu tới 90 nghìn bảng để trả tiền tín dụng cho một căn nhà ở London để cư ngụ trong nhiệm kỳ dân biểu.
Theo quy định ở Anh, các dân biểu được nhận khoản bù tiền nhà hoặc tín dụng địa ốc ở hai nơi: địa phương họ sống, có thể ở rất xa thủ đô, và một căn nhà nữa phục vụ việc công ở London, nơi họ về họp hành hàng ngày.

Báo Anh đòi bộ trưởng Maria Miller từ chức sau vụ khai khống tiền nhà
Nhưng ai ở Anh cũng biết tiền một căn nhà ở London có giá khác hẳn nhà ở tỉnh.
Và đây là lỗ hổng cho chuyện chính khách đòi bù tiền nhà hay tiền mua nhà.
Dư luận cũng không hài lòng với chuyện 'tráo nhà' hay gọi là 'flipping home' để chọn khai nhận khoản tiền cho căn nhà đắt giá hơn.

Có dân biểu còn nhận căn nhà bằng tiền công để cho thuê.
Tờ Daily Telegraph khi đó chỉ tố cáo bà Maria Miller khai lạm tiền nhà vì lãi suất cho tiền tín dụng địa ốc (mortgage rate) đã xuống mà bà vẫn khai nhận theo mức cao hơn.
Ủy ban Tư cách Đại biểu của Quốc hội Anh năm 2013 đã xem xét vụ này sau khi có dân biểu khác yêu cầu bà Maria Miller trả lại toàn bộ khoản chênh lệch chi phí lãi suất, 45 nghìn bảng Anh.
Nhưng Ủy ban của Quốc hội lại chỉ yêu cầu bà Miller trả lại 5800 bảng và đã làm chuyện đó.
Nhưng dư luận khó chịu vì lời xin lỗi của bà quá ngắn, chỉ có mấy chục giây và có vẻ không 'hối lỗi'.

Báo Anh đã không buông tha và liên tiếp chạy các tựa đề đòi bà từ chức.
Cơ chế 'bù tiền nhà' cho các nghị sỹ tại Anh đã bị dư luận phê phán từ lâu và cũng đang gây hại cho nhiều quan chức và cả chính phủ Anh qua mấy nhiệm kỳ.
Nhưng cũng ở Anh có cơ chế 'uy tín và niềm tin' khiến người ta có thể cách chức dễ dàng một bộ trưởng.

Quy trình này khá đơn giản.
Theo chế độ thủ trưởng thì thủ tướng Anh là người phải gián tiếp chịu trách nhiệm về mọi hành vi của thành viên nội các cầm quyền.
Bị báo chí xúm vào 'đánh', thường chỉ sau vài ngày, vị bộ trưởng phải được nghe rằng ông ta hay bà ta 'vẫn còn được thủ tướng tín nhiệm' để không bị buộc phải ra đi.
Cựu và tân thủ tướng Anh: hai ông Tony Blair và David Cameron nói chuyện
Vì khi uy tín của một bộ trưởng bị sút giảm, để giữ chức, họ như phải 'vay' uy tín từ thủ tướng, người có thực quyền cao nhất ở Anh - do Nữ hoàng tuy là nguyên thủ quốc gia nhưng không điều hành chính phủ mà chỉ có vai trò tượng trưng.

Đem uy tín của mình cho vay mà không có gì bù vào, và cơn giông tố trên báo vẫn chưa ngớt, uy tín của thủ tướng sẽ sứt mẻ theo và lời nói sẽ giảm trọng lượng, đề xuất về chính sách đưa ra sẽ bị chống đối.
Cứ đà đó, vị bộ trưởng từ 'vốn quý' (assets) của chính phủ hoặc đảng của mình dần trở thành 'gánh nặng' hoặc 'món nợ' (liability), kéo thấp uy tín của thủ tướng hoặc lãnh đạo đảng xuống theo.

Cũng cơ chế đảng phái ở Anh cho phép một khi uy tín của lãnh tụ đảng hoặc thủ tướng quá giảm sút, một nhân vật cùng đảng có thể tuyên bố thách thức tranh chức vị cao nhất, gọi là 'leadership challenge'.

Hiện nay, Phó Thủ tướng Nick Clegg, lãnh tụ đảng Tự do Dân chủ chỉ vì thua điểm trong cuộc tranh luận trên truyền hình BBC với nhân vật cánh hữu Nigel Farage nên đ̣ang có nguy cơ gặp thách thức chức lãnh đạo từ trong đảng.
Nếu hội tụ đủ số phiếu của các nghị sỹ trong đảng ủng hộ, một dân biểu kỳ cựu có thể yêu cầu đảng bỏ phiếu chọn mình thay cho người đương chức.
Chính hồi năm 1974, bà Margaret Thatcher đã thách thức chức lãnh tụ đảng Bảo thủ của ông Edward Heath và thắng lợi.

Đến năm 1979, đảng của bà thắng cử và Margaret Thatcher trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở Anh cho tới năm 1991, khi chính bà bị thách thức trong nội các Bảo thủ và đã quyết định từ chức.

Tuần này, vào tối 8/4 Thủ tướng David Cameron đã nói chuyện với Bộ trưởng Miller và hai bên đồng ý rằng bà từ chức.

Lý do là trước buổi chất vấn thủ tướng diễn ra hàng tuần, PM's Questions vào thứ Tư 9/4, ông Cameron không muốn bị công kích bởi vụ Maria Miller.
Đảng cầm quyền đang bị đảng Độc lập Anh Quốc (UKip) giành cử tri trước bầu cử châu Âu và bầu cử toàn quốc 2015, nên ông Cameron muốn dân Anh lắng nghe thông điệp của mình chứ không bị rối trí bởi vụ chi tiêu của một bộ trưởng.

Không phải duy nhất

Đây không phải là lần đầu tiên và duy nhất chính trị gia Anh dính vào các vụ bê bối chi tiêu và thanh toán tiền công.
Với quan chức cả ba đảng Bảo thủ, Lao động và Tự do Dân chủ, đa số bị mất chức vì quan hệ làm ăn, gia đình, tình ái, hoặc khai khống tiền chi tiêu công.
"Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Liam Fox mất chức khỏi nội các vì nhầm lẫn giữa quan hệ công và quan hệ cá nhân"
Vào tháng 10/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Liam Fox (đảng Bảo thủ) từ chức khỏi nội các vì như chính lời ông là “đã nhầm lẫn giữa quan hệ công và quan hệ cá nhân”.
Báo Anh tố cáo ông Liam Fox đã đưa một doanh nhân người Scotland, ông Adam Werritty đi cùng các chuyến công vụ 18 lần từ 2009 đến 2011.
Ông Fox cũng làm luôn chức chủ tịch một trung tâm nghiên cứu do ông Werritty lập ra gọi là The Atlanticist Bridge.
Tháng 5/2010, Quốc vụ khanh Tài chính Anh, ông David Laws (đảng Tự do Dân chủ) cũng bị buộc phải từ chức vì dùng công quỹ trả cho tiền thuê nhà của người tình nam James Lundie.
Không chỉ phải công khai xin lỗi công chúng, ông David Laws đã phải hoàn trả công quỹ 40 nghìn bảng Anh và rời nội các.
Hồi 2006, bà Tessa Jowell, bộ trưởng thuộc đảng Lao Động bị dính vào vụ scandal mà báo chí Anh gọi là ‘Jowellgate’.
Lý do là chồng của bà, ông David Mills là luật sự từng làm việc cho tỷ phú, thủ tướng Ý, Silvio Berlusconi và đã bị toà Ý kết án vì đã nhận 600 nghìn USD để ‘đưa ra bằng chứng không đúng’ bảo vệ ông Berlusconi.
Dù không liên quan trực tiếp đến các chuyện làm ăn của chồng, bà Tessa Jowell đã bị tố cáo là vi phạm quy tắc hành xử của bộ trưởng vì đã ký vào giấy tờ cùng chồng dùng khoản 600 nghìn USD đó để mua nhà.
Bà Thatcher lên lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh năm 1974 sau khi thách thức chức của ông Edward Heath
Hai ông bà sau đó đã chính thức ly thân và sự nghiệp chính trị của bà Tessa Jowell vẫn tiến triển nhưng vụ việc đã gây tổn hại về uy tín cho Thủ tướng Anh khi đó, ông Tony Blair, bản thân ông cũng là bạn ông Silvio Berlusconi.
Nhưng đôi khi quan chức phải từ nhiệm không chỉ vì tiền bạc hay vì quan hệ 'gây nghi ngờ' và có khi chỉ vì vô tình không biết đã phạm luật.
Hồi tháng 2/2014, Thứ trưởng phụ trách di dân, ông Mark Harper cũng từ chức sau khi báo chí đưa tin người dọn nhà cho ông đã làm việc mà không có giấy phép lao động tại Anh.
Dù Phủ Thủ tướng nói ông Harper “đã không biết là người ông tuyển là di dân bất hợp pháp”, nhưng vì di dân là chủ đề nóng bỏng, một thứ trưởng có vi phạm dù không cố ý cũng có thể khiến uy tín của chính phủ giảm sút.
Rút lui nhanh khỏi chính phủ, các thứ bộ trưởng, quốc vụ khanh có cơ hội chờ dư luận quên đi về bê bối còn nhỏ để quay lại cầm quyền trong một lần khác, điều mà ông David Laws đã làm.
Trái lại, nếu không có cơ chế cho các quan chức cao cấp sớm từ chức khi vụ việc chưa nghiêm trọng nổ ra, họ có thể tiếp tục vi phạm, và lấn sâu vào các hành vi có thể dẫn tới mức phạm tội hình sự, thậm chí bị tù đầy.
Trong thập niên 1990, sự nghiệp chính trị của một quan chức cao cấp Anh tụt dốc không phanh vì cố chống đỡ, thậm chí đòi kiện lại báo chí.
Từ chức sớm là cách quan chức không bị kết thúc sự nghiệp tại toà án Anh
Đó là câu chuyện về dân biểu kiêm bộ trưởng thuộc đảng Bảo thủ Jonathan Aitken.
Năm 1995, báo The Guardian và đài truyền hình Granada chạy bài nói về các vụ làm ăn bất minh của ông Aitken với Ả Rập Saudi, dẫn tới vụ ông kiện lại báo chí bôi nhọ nhằm bảo vệ danh dự.
Nhưng vụ kiện của ông Jonathan Aitken bị bác bỏ và chương trình World in Action tiếp tục chạy một phóng sự về ông.
Sau mấy năm giằng co về pháp lý, sang năm 1999, ông Aitken bị tòa xử tội khai gian và xử tù 19 tháng.
Tất cả những điều này chứng tỏ chuyện quan chức khai thác các mối lợi nhờ quan hệ, nhờ cơ chế lỏng lẻo xảy ra ở mọi nơi, kể cả ở ở một nền dân chủ lâu đời như Anh.
Điều quan trọng là có cơ chế nào nhanh chóng hạ bệ họ ngay khi bê bối còn nhỏ, để họ không rơi vào chuyện nghiêm trọng tới mức hình sự.
Và thay vì chỉ rao giảng đạo đức chung chung, nền chính trị nào cũng cần có cơ chế cụ thể nhằm lọc lựa hàng ngũ vì sự tồn tại lâu dài hơn của hệ thống.

Những gì cản trở tiềm lực Việt Nam?

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2014-04-09
Ảnh minh họa chụp một con đường ven sông Sài Gòn, hướng về trung tâm TPHCM hôm 19/11/2013.
AFP

Báo cáo về tình hình kinh tế Đông Á Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới vừa công bố hôm Thứ Hai mùng bảy tại Singapore có một số lượng định rất đáng chú ý về những trở ngại khiến kinh tế Việt Nam chưa đạt hết tiềm lực của mình. Những trở ngại ấy là gì, Vũ Hoàng nêu câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong tiết mục chuyên đề hàng tuần như sau:

Những bất trắc toàn cầu

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, Ngân hàng Thế giới vừa công bố một báo cáo định kỳ về tình hình kinh tế của các nước thuộc khu vực Đông Á Thái Bình Dương, trong đó có phần lượng định về những thành tựu và nhiều mặt tiêu cực của kinh tế Việt Nam. Chúng tôi xin đề nghị ông lược duyệt cho tài liệu này và nhấn mạnh đến những khuyến cáo dành cho Việt Nam. Trước tiên thưa ông nội dung tổng quát của báo cáo đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết là sự lạc quan của Ngân hàng Thế giới về triển vọng hồi phục của kinh tế toàn cầu, do bốn yếu tố. Đó là lực đẩy của các nền kinh tế công nghiệp hóa, với bất trắc về chính sách đã giảm, yêu cầu chấn chỉnh ngân sách bớt khắt khe và sự nhờ sự năng động mới của khu vực tư nhân. Trong bối cảnh đó, sản lượng kinh tế thế giới từ năm nay qua năm 2016 sẽ tăng từ 3 đến 3,4%, với đà tăng trưởng cao hơn của khối công nghiệp hoá từ 2,1 lên 2,4%, và của các nước đang phát triển sẽ tăng từ 5% lên 5,6%. Đó là vài con số về đại thể.

Kinh tế có ổn định hơn với lạm phát dưới 7% so với trên 9% hay 18% vào năm 2011 và tỷ giá đồng bạc so với đô la vẫn ở mức cũ chứ khỏi sa sút thêm.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa

Trong khối đang phát triển, thì các nước Đông Á Thái Bình Dương, mà tôi xin được gọi tắt là Thái-Á cho gọn, sẽ có mức tăng trưởng 7,1%, tức là cao nhất trong các nước thuộc loại mới nổi của toàn cầu. Trong nhóm Thái-Á đang lên, thì ta chú ý nhất tới Trung Quốc và 10 nước của Hiệp hội ASEAN.
Ngân hàng Thế giới có vẻ lạc quan về khả năng cải cách sắp tới của Trung Quốc, và dự đoán tốc độ dù có chậm hơn thì cũng ở khoảng 7,5 hay 7,6% trong vài năm tới. Riêng về khối ASEAN có 600 triệu dân thì định chế này phân biệt bốn nền kinh tế lớn là Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia với các nền kinh tế nhỏ hơn hay yếu hơn. Việt Nam thuộc loại nhỏ yếu đó và ở trong nhóm quốc gia thuộc tiểu vùng Mekong, cùng Miến Điện, Lào, và Cam Bốt. Để dành thời lượng cho Việt Nam, tôi xin khỏi nhắc đến phần hai của phúc trình cập nhật này với ba đề tài khác, trong đó có một tiểu luận nức nở ngợi ca ý chí và khả năng chuyển hướng của Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Thưa ông, riêng về Việt Nam, thì Ngân hàng Thế giới là định chế tài chính quốc tế chuyên yểm trợ các nước đang phát triển đã có những lượng định gì là đáng chú ý?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cũng lại ngợi khen và cảnh báo. Về đại thể, năm qua kinh tế Việt Nam có cải thiện so với một hai năm trước, mà vẫn thấp hơn tiềm lực vì ba lý do là vấn đề cơ cấu trong lĩnh vực quốc doanh và ngân hàng, là lệch lạc chính sách gây trở ngại cho đầu tư của tư nhân và cho sức cạnh tranh trong nhiều khu vực then chốt. Năm qua kinh tế xứ này có tăng chút đỉnh, qua năm nay e rằng vẫn cứ như vậy, ở khoảng 5,4 tới 5,5%, nếu không xử lý các vấn đề nói trên. Ngoài ra, có lẽ cũng phải nói tới một trở ngại khác cho Việt Nam là những bất trắc toàn cầu.
Công trình xây dựng đường xe điện trên cao (sky train) tại trung tâm thành phố Hà Nội hôm 26 tháng 2 năm 2014. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.

Vũ Hoàng: Như vậy thì Ngân hàng Thế giới cho rằng năm 2013, tình hình kinh tế Việt Nam có khá hơn 2011 và 2012, mà thưa ông khá hơn như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa:Trước hết là kinh tế có ổn định hơn với lạm phát dưới 7% so với trên 9% hay 18% vào năm 2011 và tỷ giá đồng bạc so với đô la vẫn ở mức cũ chứ khỏi sa sút thêm. Kế đó là xuất khẩu có tăng vào thị trường công nghiệp hoá nhờ ngành thâm dụng nhân công như áo quần, giày dép, bàn ghế và mới nhất là nhờ loại sản phẩm có trình độ công nghệ và trị giá đóng góp cao hơn, như điện thoại di động, phụ tùng điện tử, và cả cơ phận xe hơi. Sức xuất cảng đó chủ yếu đến từ khu vực đầu tư nước ngoài, tức là Việt Nam làm gia công và được nước ngoài mở thị trường bán hàng qua đó. Nhờ các yếu tố tích cực này, cán cán thương mại có cải thiện và cán cân vãng lai đã từ thâm hụt nặng năm 2008 nay đạt được thặng dư. Nhưng báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng nhắc là số thặng dư ấy sẽ giảm khi nhập khẩu tăng theo đà phục hồi kinh tế.

Cảnh báo kinh tế Việt Nam

Vũ Hoàng: Bây giờ, bước qua phần cảnh báo về những trở ngại khiến kinh tế Việt Nam không thể hiện được tiềm lực của mình, thưa ông, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo những gì trong bản báo cáo vừa qua?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nếu nhìn vào tiềm năng thực tế thì đáng lẽ Việt Nam phải đứng bên các nền kinh tế lớn của khối ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, hay Thái Lan. Sự thật bẽ bàng là sức tăng trưởng bền vững của Việt Nam vẫn bị cản trở vì tốc độ cải cách quá chậm. Ngân hàng Thế giới nêu ra năm nhược điểm sau đây. Thứ nhất, số cầu trong thị trường nội địa vẫn yếu vì khu vực tư doanh mất niềm tin, một từ khá lịch sự của họ để nói về tình trạng chật vật của doanh nghiệp tư nhân. Thứ hai là mức nợ quá lớn của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba là phần vốn quá mỏng của ngân hàng. Thứ tư là sự co cụm của khu vực ngân sách nhà nước. Về mặt cung thì tình hình còn đáng ngại hơn do khả năng cạnh tranh kém của Việt Nam nếu so với các nền kinh tế có cùng kích thước và trình độ, cụ thể là các nước ASEAN nói trên.

Muốn giải trừ những yếu kém ấy để có đà tăng trưởng mạnh hơn trong trung hạn, Ngân hàng Thế giới cho là Việt Nam cần lại chú ý, tôi nhấn mạnh vào chữ "lại", đến một số cải cách về cơ cấu. Và phải đặt trọng tâm vào ba lĩnh vực, là tái cấu trúc hay chấn chỉnh các 1) ngân hàng, 2) doanh nghiệp nhà nước, và 3) tháo gỡ những rào cản cho nguồn đầu tư của tư nhân ở trong nước.

Vũ Hoàng: Thưa ông, báo chí ở trong nước có nói đến một vấn đề được đại diện của Ngân hàng Thế giới nhắc tới là những khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng như sự tắc nghẽn khiến kinh tế Việt Nam không đạt tiềm năng của mình.

Phải đặt trọng tâm vào ba lĩnh vực, là tái cấu trúc hay chấn chỉnh các: ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và tháo gỡ những rào cản cho nguồn đầu tư của tư nhân ở trong nước. 

-Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi mừng là báo chí có tường thuật khuyến cáo của giới hữu trách thuộc Ngân hàng Thế giới về những khoản nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Họ cũng nói về số liệu mơ hồ của núi nợ, nhiều ít thế nào thì chưa ai rõ, và còn nêu nghi vấn về khả năng giải quyết của Công ty Quản lý Tài sản VAMC được lập ra năm ngoái. Trong phúc trình, Ngân hàng Thế giới cho là cơ quan này thiếu phương tiện đắp vốn cho ngân hàng và có tiến độ chấn chỉnh quá chậm. Họ cảnh báo về các vấn đề phá sản, vỡ nợ và việc bảo vệ chủ nợ như những chướng ngại cần khai thông để tái cấu trúc khoản nợ của doanh nghiệp.

Trong phạm vi tài chính công quyền đó, ta còn thấy ra khả năng xoay trở rất hẹp của lãnh đạo kinh tế Việt Nam vì giới hạn của ngân sách. Thứ nhất, tiêu chí về bội chi ngân sách năm 2013 đã được nâng từ 4,8% lên tới 5,3% Tổng sản lượng GDP, tức là cao gấp bội so với chỉ tiêu 4,5%. Lý do bội chi ở đây là thất thu về thuế khóa do việc giảm thuế doanh nghiệp để kích thích sản xuất. Việc cải tổ tài chính công, trong đó thuế khóa phải tăng và các khoản công chi phải giảm, là một sự thúc bách khó xử. Nếu kết hợp thêm loại nợ nước ngoài thì ta mới thấy ra vấn đề về dài.

Vũ Hoàng: Thưa ông vấn đề về dài ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ 20 năm nay, Việt Nam được quốc tế cho vay theo tinh thần viện trợ, với điều kiện ưu đãi, cụ thể là lãi suất hạ, thời gian ân hạn là chỉ trả tiền lời chưa phải trả vốn cao hơn, được vay dài hạn hơn. Nhưng khi lợi tức quốc dân đã tăng thì loại tín dụng có tính chất nâng đỡ ấy phải giảm, khiến nhà nước và cơ quan được nhà nước bảo lãnh để vay tiền bên ngoài sẽ càng ít hơn. Khi ấy, nếu cần vay thì phải phát hành trái phiếu trong thị trường tín dụng nội địa. Khác với tín dụng viện trợ, tín dụng nội địa thường đòi tiền lãi cao hơn trong hạn kỳ ngắn hơn. Tức là Việt Nam phải rà lại chính sách công trái, vì việc vay nợ của công quyền từ nay sẽ đắt hơn và khắt khe hơn.
Khi kết hợp hai chuyện là nợ xấu đã vay mà sẽ mất và các khoản vay mượn của nhà nước sẽ đắt hơn sau này, ta thấy ra một sự éo le. Trong giai đoạn quá lâu, được vay tiền quá dễ, nhà nước Việt Nam đã chẳng lo xa mà để doanh nghiệp của mình vay tiền bừa phứa và chất lên một núi nợ sẽ sụp đổ. Khi phải kiện toàn tài chính, cụ thể là lập ra công ty tung tiền chuộc nợ, thì ngân sách nhà nước lại bị giới hạn vì thâm hụt quá cao. Trong tương lai, nhà nước bị bội chi mà đi vay thì sẽ trả tiền lời nhiều hơn và nhu cầu vay mượn đó cũng khiến tư doanh khó vay hơn, phải trả lãi đắt hơn. Tức là nhà nước làm bậy mà đầu tư của tư nhân bị thiệt và kinh tế lại gặp chướng ngại.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối cho đề tài hấp dẫn này, thưa ông, bản báo cáo vừa rồi của Ngân hàng Thế giới có lời khuyên gì cho Việt Nam ngay trong giai đoạn tới hay chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngay năm nay, Việt Nam cần thuyết phục thị trường về quyết tâm sửa sai bằng cách đẩy mạnh việc cải cách doanh nghiệp nhà nước. Việc thiết thực là giải tư, tức là bán lại, những tài sản không thuộc khu vực chủ đạo then chốt của hệ thống kinh tế nhà nước, và cổ phần hoá, tức là tư nhân hóa, một số lớn các cơ sở quốc doanh. Song song, Việt Nam phải thanh toán núi nợ xấu của hệ thống ngân hàng dù rằng đấy là việc tốn kém và phức tạp.
Sau khi ca ngợi Việt Nam đã có chút ổn định vĩ mô, Ngân hàng Thế giới cho rằng những tiến bộ ấy vẫn còn bấp bênh và kinh tế xứ này còn gặp nhiều rủi ro. Rủi ro lớn nhất là giảm đà cải cách khiến kinh tế tăng trưởng chậm hơn, và gây thêm gánh nặng cho ngân sách trong trường kỳ.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/obstacles-to-vnese-potentials-nxn-04092014101844.html

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

My Blog List