Hình ảnh nói lên: Sự kiện Tội Ác Việt Cộng ! ! !






https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj6kLmYKa-hPj1HvFQ9_a90KHJhUV_iUMIMpX4OuUtcp6iY8tidLohE38X7ObP2c42O5V9-qDdwu0FmyTgJjcSZI_uM_-UibAiDC_1ucag_fkHs2pV3BymecImeC0W5_uks9TF3NPCej5k/s1600/babui-danlambao-%C4%90a%CC%82%CC%81t+nu%CC%9Bo%CC%9B%CC%81c+la%CC%80+ca%CC%81i+%C4%91uo%CC%82i+sam1.jpg








Monday, April 28, 2014

Mỹ nợ thế giới hay thế giới nợ Mỹ?

  

Mỹ nợ thế giới hay thế giới nợ Mỹ?

© Đoàn Hưng Quốc
Economia-America-Latina-21-321x250
Một người Hoa đã nói với tôi: “Hai nhà nước Trung Quốc và Hoa Kỳ có cùng một mối quan tâm là lo cho dân Mỹ sung sướng!”, bởi vì dù Hoa Kỳ đã mang một núi nợ thì Bắc Kinh cứ phải cho vay thêm tiền tiêu xài, trong khi giới đi làm công tại Hoa Lục bị ép với đồng lương thấp và an sinh xã hội kém mà không được hưởng đầy đủ thành quả lao động của họ.

Nếu có hai dự báo kinh tế thường xuyên từ 10-20 năm nay mà vẫn chưa xảy đến, một là nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ và hai là đồng đô-la sẽ mất đi vị trí thống trị toàn cầu. Bài viết này sẽ phân tích nghịch lý của đồng đô-la vốn trải qua nhiều tai biến như (a) cuộc Đại Khủng Hoảng 2007-09, (b) ngân sách nhà nước Hoa Kỳ suýt phá sản do chính phủ tê liệt năm 2011, (c ) Ngân Hàng Trung Ương in ra 4000 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế hay (d) núi nợ lên đến con số chưa từng thấy 17500 tỷ USD – các trường hợp này giả sử xảy ra tại bất cứ nước nào khác cũng khiến cho chủ nợ kinh hoảng bỏ chạy, riêng chỉ đối với Hoa Kỳ vẫn được thế giới tiếp tục ùa vào cho vay không lãi! Làm thế nào Mỹ chiếm được điều được các chuyên viên kinh tế gọi là phần tiện nghi quá đáng (exorbitant privilege) như vậy?

Câu trả lời lại là một câu hỏi khác rằng tiền dư gởi ở đâu tốt hơn ngoài Hoa Kỳ? Cho dù các con số ở trên cho thấy việc chọn mặt gởi vàng cho nước Mỹ cũng vô cùng bấp bênh, nhưng so với hai đơn vị tiền tệ quan trọng khác thì Nhật đã suy trầm từ 20 năm nay với tỷ lệ nợ công cao ngất ngưởng hơn cả Hoa Kỳ, trong lúc Euro của Âu Châu suýt bị sụp đổ chỉ mới năm vừa rồi. Cả hai nền kinh tế lớn này đều lại đang đi vào giai đoạn lão hóa nên không thể nào tăng trưởng nhanh được.

Xem ra chỉ còn Trung Quốc với đồng Nhân Dân Tệ được xem như đối thủ của tiền đô-la: trọng lượng dùng trong mậu dịch toàn cầu tăng nhảy vọt từ 2% (2012) lên 9% (2013). Bắc Kinh phát huy vai trò của Nhân Dân Tệ trong thương mại quốc tế cho xứng đáng với ưu thế mậu dịch của nước này, một mặt nhằm giảm chi phí hoán đổi ra đô-la hay euro đồng thời để thế giới quen dần với tấm ảnh của Mao Trạch Đông in trên tờ giấy bạc (cũng giống như hình Tổng Thống Washington trên tấm đô-la). 

Ngược lại Trung Quốc chưa định biến Nhân Dân Tệ thành một đơn vị trữ lượng để các quốc gia khác tích lũy ngoại tệ như đồng đô-la. Có nhiều lý do nhưng chủ yếu gồm (1) để các nước thu vào Nhân Dân Tệ có nghĩa là Hoa Lục phải chiụ thâm thủng mậu dịch với thế giới, (2) Trung Quốc phải mở cửa thị trường tài chánh để giới đầu tư bỏ tiền mua nợ công, (3) Bắc Kinh phải nới lỏng kiểm soát hối đoái để việc mua bán Nhân Dân Tệ sát hơn với giá trị thực tế. Cả ba biện pháp này đều trái với chính sách hiện thời của nhà nước Trung Quốc.

Rốt cục đô-la Mỹ vẫn được ưa chuộng cho dù thế giới phàn nàn tại sao Hoa Kỳ được hưởng phần tiện nghi quá đáng như đã trình bày bên trên. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng Mỹ trả giá khá đắt khi cho phép tiền của mình trở thành trữ lượng tiền tệ quốc tế: các nước thu đô-la vào khiến tiền Mỹ cao giá, nhờ vậy họ dễ bán hàng giá rẻ sang Hoa Kỳ.

Vậy là Mỹ phải chịu thâm thủng mậu dịch trong 40 năm nay khiến không ít dân chúng thất nghiệp và nhiều ngành sản xuất chạy ra nước ngoài. Các nước tích lũy đô-la một phần dùng vào đầu tư, phần còn lại mua thêm nợ công của Hoa Kỳ (và Âu-Nhật nhưng với con số ít hơn) tạo thành vòng luẩn quẩn để giữ đồng đô-la cao giá nhằm tiếp tục bán hàng sang Mỹ. Trong thương mại quốc tế có nước xuất cảng thì phải có xứ mua hàng nhập cảng, thị trường Âu-Nhật nay đang sút giảm nhiều do kinh tế yếu kém nên nếu Hoa Kỳ lại phá giá đồng đô-la giảm mua hàng hoá thì cả thế giới thừa người bán thiếu kẻ mua!

Một lý do khác khiến các nước đang trỗi dậy tích trữ đô-la do từ kinh nghiệm cuộc khủng hoảng kinh tế 1998 khi giới đầu tư quốc tế rút vốn tháo chạy ra khỏi vùng Đông-Á, Nga và Nam Mỹ. Nhiều chính phủ bị điêu đứng hay sụp đổ khi dân chúng biểu tình phản đối rầm rộ các biện pháp khắc khổ ngặt nghèo do IMF đặt để như điều kiện để nhận cứu trợ. Nền kinh tế của các khối này sau đó phục hồi nhanh chóng nhờ vào xuất cảng hàng hoá (như Nam Hàn và Đài Loan) hoặc giá năng lượng tăng vọt (như Brazil và Nga), sau đó họ quyết tâm tích tụ quỹ dự trữ lớn để ngăn ngừa không cho tài phiệt quốc tế thao túng như trước đây. Nhưng giữ tiền mặt phải có chỗ gởi, nên họ không còn cách nào khác hơn là tiếp tục cho Mỹ mượn tiền.
Nếu thế giới tiếp tục cho Hoa Kỳ vay với lãi xuất từ 1-2% trong lúc GDP của Mỹ tăng trưởng 2-3% mỗi năm thì Hoa Kỳ có thể gánh thêm nợ… dài dài mà không lo phá sản! Các chủ nợ chịu lỗ vì lâu dài đồng đô-la sẽ sụt giá so với Nhân Dân Tệ và tiền tệ của các nước đang phát triển do nền kinh tế của khối này tăng trưởng nhanh hơn so với Hoa Kỳ. Một quy luật đầu tư không suy suyển là muốn an toàn phải chịu mất lời, nhưng vấn đề đặt ra kế tiếp là đồng đô-la có thật là nơi an toàn hay thế giới đang giao trứng cho ác?

Cuộc Đại Khủng Hoảng 2007-2009 cho thấy các định chế kinh tế của Mỹ như ngân hàng, bảo hiểm cũng không phải hoàn toàn minh bạch và đáng tin cậy, trong lúc chính quyền Hoa Kỳ cũng có thể bị tê liệt bởi tranh chấp nội bộ kéo nền kinh tế suy sụp thêm. Nhờ Ngân Hàng Trung Ương có biện pháp thích ứng in tiền ào ạt để thoát khỏi khủng hoảng, nhưng cũng vì vậy mà cơ quan này mua vào một núi giấy IOU (cụm từ bình dân cho giấy nợ I owe You) trị giá 4000 tỷ USD mà chưa ai biết cách nào thanh toán trong tương lai.

Chỉ còn một lý do để giải thích tại sao thế giới – kể cả các đối thủ chính trị như Trung Quốc và Nga – vẫn phải mua công phiếu của Mỹ tức là trong đám mù kẻ chột làm vua. So với đô-la thì Euro và tiền Nhật còn thiếu khả tín hơn, còn nói đến kém minh bạch hay thiếu tin cậy thì các ngân hàng và nhà nước Trung Quốc lại đáng sợ hơn nhiều.

Trong vòng 5 năm từ 2007-12 nước ngoài cho Hoa Kỳ mượn 3300 tỷ USD so với dân Mỹ cho nhà nước vay 2200 tỷ USD. Giả sử chính phủ Mỹ cho tăng lạm phát để xoá nợ (lạm phát tăng = tiền mất giá = trị giá nợ giảm) thì sẽ ảnh hưởng đến dân chúng nhất là giới hồi hưu vốn thuộc thành phần cử tri đi bầu đông đảo. Cho nên đối với một quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ thì thế giới được an ủi phần nào là nhà nước không dám làm liều để quịt nợ – hoặc giả hoàn cảnh bó buộc quá thì trước khi có biện pháp mạnh các phe phái cũng tranh luận om sòm công khai nên nước ngoài đở bị bất ngờ để có chút thời giờ tháo chạy!

Nợ công của Hoa Kỳ có quá nhiều người mua và chuyền tay nhiều lần nên chính phủ Mỹ cũng không thể nhắm riêng một đối tượng nào để thanh toán: thí dụ như Nga chiếm Crimea thì Hoa Kỳ có muốn trừng phạt xóa sổ nợ (!) cũng không phanh phui ra được công phiếu nào là do Nga nắm giữ. Ngược lại các chủ nợ lớn có cay đắng cũng không dám bắt chẹt thị trường trái phiếu Mỹ: thí dụ vì tranh chấp nên Bắc Kinh hăm doạ bán ra công phiếu Mỹ trị giá 100 triệu USD để không ai mua thêm nợ mới của Hoa Kỳ, chỉ tin đồn này thôi cũng đủ để làm rối loạn thương mại và tài chánh toàn cầu khiến Trung Quốc sẽ thiệt hại hơn nhiều trong tổng số 4300 tỷ USD mà họ đang nắm giữ.

Để kết luận, có hai hiện tượng thăng bằng trong thiên nhiên với cái ghế bốn chân (thăng bằng vững chãi) hay cái ghế một chân (thăng bằng nhưng lắc lư). Nền tài chánh quốc tế nói chung và vị trí của đồng đô-la Mỹ đang đánh đu trên cái ghế một chân mà đôi khi chỉ do một ngọn gió thổi nhẹ cũng bị đổ nhào. Vậy mà thế giới cứ phải hợp sức giữ cho anh làm xiếc nhào lộn vì sợ đổ ngã thì mọi người đều té chồng lên nhau cho nên nếu đồng đô-la vẫn tiếp tục giữ vai trò thống trị trong 20-30 năm nữa cũng không phải là chuyện đáng ngạc nhiên.
© Đoàn Hưng Quốc



No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

My Blog List