Nhóm lợi ích cản trở cải cách thể chế
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-05-02
2014-05-02
Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014 ở TP Hạ Long, với chủ đề “Động lực
phát triển mới từ cải cách thể chế”, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn
Văn Giàu phát biểu tại diễn đàn.
Lao Động online
Diễn Đàn Kinh Tế Mùa Xuân 2014 do Ủy ban Kinh
tế Quốc hội tổ chức hai ngày 28-29/4 tại TP.Hạ Long kết thúc với nhiều khuyến
nghị liên quan tới cải cách thể chế. Tuy vậy đã qua ba sự kiện Diễn đàn Kinh tế
mùa Xuân, mùa Thu và trở lại muà Xuân, niềm tin của người dân về việc Quốc hội,
Chính phủ và Đảng tiếp nhận những kiến nghị cải cách và thực hiện nó vẫn là một
dấu hỏi lớn. Phải chăng cải cách thể chế kinh tế chưa thực hiện được vì vướng
mắc cải cách thể chế chính trị.
Cách thể chế kinh tế là phải cách thể chế
chính trị
Trả lời Nam Nguyên, TS kinh tế Phạm Chí Dũng
nhà bình luận độc lập, một trong ba người Việt Nam vừa được Tổ chức phóng viên
không biên giới vinh danh là anh hùng thông tin, nhận định:
“Điểm nghẽn chính (nền kinh tế) không chỉ nằm
ở vấn đề thể chế mà sâu xa hơn vấn đề thể chế. Chủ thể và chủ thuyết lợi ích đã
chiếm tuyệt đại đa số trong các chi phối về các mối quan hệ xã hội, quan hệ
kinh doanh và cả các mối quan hệ chính trị ở Việt Nam hiện nay. Đặt ra vấn đề
cải cách thể chế kinh tế, muốn giải quyết về thể chế kinh tế, điều đó là đúng
thì lại phải giải quyết cái gốc của nó là vấn đề chính trị. Và không thể giải
quyết vấn đề chính trị nếu không giải quyết vấn đề các nhóm lợi ích hiện nay.
Cho nên đó là một cái vòng lẩn quẩn, các nhóm lợi ích lại thao túng chính trị,
xây dựng chính trị và thậm chí là hoàn chỉnh chính trị.”
Trở về từ Diễn Đàn Kinh Tế Mùa Xuân 2014,
phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từ Hà Nội nhận định rằng nhu cầu của Việt Nam
là cải cách thể chế cả về kinh tế lẫn chính trị. Ông nói:
Đặt ra vấn đề cải cách thể chế kinh tế, muốn
giải quyết về thể chế kinh tế, điều đó là đúng thì lại phải giải quyết cái gốc
của nó là vấn đề chính trị. Và không thể giải quyết vấn đề chính trị nếu không
giải quyết vấn đề các nhóm lợi ích hiện nay.
TS kinh tế Phạm Chí
Dũng
“Nói chung vấn đề thể chế có hai nội dung, thể
chế chính trị và thể chế kinh tế. Hai cái này phải giải quyết đồng bộ, trong
các văn kiện Đảng cũng đã quyết định. Nhưng mà đây được coi như hai cái chân,
nếu không giải quyết tốt hai cái chân này thì con người không thể đi vào hướng
nào được.”
Ở ngày thảo luận thứ nhì hôm 29/4, phải chăng
vấn đề cải cách thể chế chính trị đã gián tiếp được đề xuất. Theo VnEconomy,
ông Trương Đình Tuyển nguyên Bộ trưởng Thương mại đã làm nóng nghị trường với
khuyến cáo chung cho chế độ là đã đến lúc Việt Nam phải thừa nhận xã hội dân
sự. Ông Tuyển dẫn ngay vào thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
đã đề cập dân chủ là xu thế khách quan trong sự phát triển của loài người. Ông
Tuyển nhấn mạnh, mà đã thừa nhận là xu thế khách quan thì phải mở rộng dân chủ
và đương nhiên tôn trọng vai trò của xã hội dân sự.
TS kinh tế Phạm Chí Dũng nhà bình luận độc lập, vừa được Tổ chức
phóng viên không biên giới vinh danh là anh hùng thông tin (ducme-tv)
Về vấn đề liên quan, PGS-TS Ngô Trí Long nhận
định:
“Ba trụ cột lớn của kinh tế thị trường là nhà
nước, thị trường và xã hội dân sự, như thế xã hội dân sự là một trong ba trụ
cột quan trọng, muốn chuyển qua nền kinh tế thị trường thì phải thừa nhận điều
đó. Hiện nay nhận thức của Việt Nam đã bắt đầu có chuyển biến, cũng như tại
Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân tôi có tham dự, ý kiến của ông Tuyển nói chung mọi
người đều tán thành và thấy hoàn toàn chuẩn xác.”
Thế nào là thể chế
Trở lại nhu cầu cải cách thể chế ở Việt Nam,
PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh là trước tiên phải nhận thức cho đúng thế nào là
thể chế. Bởi như thế mới có cơ sở để cải cách.
Ông nói:
“Lý thuyết và các học giả kinh tế thế giới đã
cho thấy rõ thực chất nó là những pháp qui, những qui định pháp luật nhằm để
điều chỉnh chủ thể của nền kinh tế và điều chỉnh các hành vi của hoạt động sản
xuất và kinh doanh và các quan hệ kinh tế. Thực chất thể chế là gì, nó là toàn
bộ hệ thống luật pháp, tập tục, phong tục, tập quán, truyền thống của một nền
kinh tế. Tất cả những thứ đó được qui định làm sao cho phù hợp với qui luật thị
trường. Trong cải cách thể chế phải lưu ý ba vấn đề, thứ nhất xây dựng tạo lập
thể chế phù hợp với qui luật thị trường, thứ hai phù hợp với thông lệ quốc tế,
đồng thời nội dung quan trọng của cải cách thể chế là được thực thi thể chế đó.
Vấn đề thứ ba là kiểm tra giám sát.”
Ba trụ cột lớn của kinh tế thị trường là nhà
nước, thị trường và xã hội dân sự, như thế xã hội dân sự là một trong ba trụ
cột quan trọng, muốn chuyển qua nền kinh tế thị trường thì phải thừa nhận điều
đó
PGS-TS Ngô Trí Long
Đáp câu hỏi của chúng tôi, là tại Diễn đàn Hạ
Long các chuyên gia đã khuyến nghị những gì cho vấn đề cải cách thể chế, khi mà
nền kinh tế không còn động lực để phát triển. PGS-TS Ngô Trí Long nhận định,
thể chế thì bao gồm rất nhiều lãnh vực, mỗi lãnh vực muốn cải cách thì phải xem
rào cản nó là cái gì, đòi hỏi đội ngũ chuyên gia phải am hiểu rất sâu thì mới
có thể xem xét vấn đề này. Rất nhiều chuyên gia đưa ra cải cách thể chế nhưng
điều quan trọng hiện nay nhà nước, các cơ quan chức năng Quốc hội yêu cầu tìm
ra những khâu đột phá của cải cách thể chế là gì. PGS-TS Ngô Trí Long tiếp lời:
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá cả- bộ
Tài Chính (nguoiduatin.vn)
“ Có rất nhiều ý kiến quan điểm khác nhau, ví
dụ có quan điểm cho rằng, khâu đột phá thể chế hiện nay đối với nền kinh tế
Việt Nam đó là sự thay đổi vai trò của nhà nước và thứ hai là phải phân biệt rõ
chức năng của nhà nước với chức năng thị trường. Phải xác định được các chức
năng, đây là hai trụ cột quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Có nghĩa là
không thể thay thế cho nhau mà thực tế là bổ sung cho nhau. Hoặc có những
chuyên gia cho rằng đột phá thể chế hiện nay phải là cải cách hành chính công
và cải cách tài chính công. Vì hiện nay thách thức lớn phía trước của Việt Nam
nợ xấu đang là thách thức lớn. Bên cạnh đó trong tương lai vấn đề nợ công cũng
phải xử lý. Hiện nay các giải pháp đưa ra có tính chất tương đối là hệ thống
toàn diện. Nhưng phải tìm khâu nào là khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay, vì
đây là cái nút thắt quan trọng có thể tháo gỡ toàn bộ nợ xấu. Đây là vấn đề
đang được bàn cãi và vẫn còn nhiều ý kiến quan điểm khác nhau.
Chúng tôi nêu câu hỏi với TS kinh tế Phạm Chí
Dũng, một nhà bình luận độc lập ở Saigon là ông nhận định gì về các ý kiến được
nêu ra tại Diễn Đàn Kinh Tế Mùa Xuân 2014.
TS Phạm Chí Dũng trình bày quan điểm
của ông:
“Có thể thấy thế này, cái cụm từ cải cách thể
chế mà người ta đặt ra nó chỉ mới xuất hiện hồi đầu năm nay, xuất phát từ thông
điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng là một Thông điệp đầu tiên đặc biệt
chưa có tiền lệ. Dường như đó là một cụm từ được coi là thời sự hiện nay, ai
cũng nhắc tới cải cách thể chế cứ như là năm 1990 người ta nhắc tới cụm từ đổi
mới tư duy. Nhưng mà đổi mới riết thì đất nước càng chậm lụt, tham nhũng càng thổi
bùng và đời sống người dân càng khó khăn. Thế thì bây giờ cải cách thể chế là
cải cách cái gì. Quay trở lại vấn đề thứ hai, cải cách thể chế đây là cải cách
thể chế chính trị, không phải chỉ là cải cách thể chế kinh tế. Bởi vì bản thân
kinh tế nó không có ý nghĩa gì nếu còn tồn tại những nhóm lợi ích, chính trị
cũng vậy thôi.”
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm nay, vấn đề
nợ công còn tồi tệ hơn nữa. Theo báo cáo của Chính phủ thì vẫn chỉ thừa nhận tỷ
lệ nợ công chỉ chiếm 55% GDP mà thôi. Trong khi đó ông Trần Đình Thiên và một số
chuyên gia phản biện khác tiếp tục lên tiếng, tỷ lệ nợ công đã gần 100% rồi,
nói chính xác là 98%.
TS Phạm Chí Dũng
Một cách cụ thể hơn, TS Phạm Chí Dũng trình
bày nhãn quan của ông về điều ông gọi là “điểm thú vị và đau đớn”: theo đó sự
khác biệt giữa Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm nay với Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân
năm trước là tỷ lệ nợ công khác nhau.
Năm trước Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân ở Nha
Trang, lúc đó Chính phủ báo cáo nợ công là 54% GDP và một số chuyên gia phản
biện lúc đó như ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và một
số chuyên gia phản biện khác ở Ba Lan, Tiệp cũng có nêu là tỷ lệ nợ công phải
lên đến 80%-90% GDP và ông Vũ Quang Việt nguyên vụ trưởng Cơ quan thống kê Liên
Hiệp Quốc cũng nêu con số tỷ lệ nợ công của Việt nam là hơn 100% GDP.
TS Phạm
Chí Dũng tiếp lời:
“Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân năm nay, vấn đề
nợ công còn tồi tệ hơn nữa. Theo báo cáo của Chính phủ thì vẫn chỉ thừa nhận tỷ
lệ nợ công chỉ chiếm 55% GDP mà thôi. Trong khi đó ông Trần Đình Thiên và một
số chuyên gia phản biện khác tiếp tục lên tiếng, tỷ lệ nợ công đã gần 100% rồi,
nói chính xác là 98%. Và cụ thể hơn nữa, tượng hình và sống động hơn nữa có nghĩa
là Việt Nam làm ra 100 đồng thì đã phải trả nợ 98 đồng chỉ còn tích lũy được 2
đồng thôi. Nhưng mà đó vẫn còn là một con số lý thuyết, thực tế người ta đã
tính rằng Việt Nam hiện nay với một số thành tố chưa tính vào, nợ của các doanh
nghiệp các Tập đoàn Kinh tế Doanh nghiệp Nhà nước chưa được tính vào nợ công mà
tính đúng tính đủ tỷ lệ nợ công bây giờ phải trên 100%.
Điều đó hết sức nguy
hiểm cũng như TS Lê Đăng Doanh một nhà kinh tế phản biện cũng nêu là một thời
gian nữa thôi thì nền kinh tế sẽ không chịu nổi nợ công. Nhìn lại vấn đề nợ
công bắc cái nhìn sang thể chế chính trị cải cách thể chế, liệu một thời ngắn
nữa thôi nền chính trị có chịu nổi những áp lực sự thối nát trong nền kinh tế
và các nhóm lợi ích hay không?”
Diễn Đàn Kinh Tế Mùa Xuân 2014 đã kết thúc,
qua báo chí Việt Nam người đọc báo cảm nhận Diễn Đàn đã làm được vai trò phản
biện của mình góp ý cho Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Đặc biệt niềm tin của ông
Trương Đình Tuyển vào sự thừa nhận sắp tới đối với vai trò của xã hội dân sự ở
Việt Nam. Mặc dù Luật về hội đã soạn thảo 12 lần mà vẫn chưa ra tới Quốc Hội.
Rõ ràng phải cải cách thể chế chính trị thì
mới có thể cải cách thể chế kinh tế thành công.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.