Nói cho sướng miệng
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-10-10
2014-10-10
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Diễn đàn Kinh tế Mùa thu
tổ chức tại Ninh Bình ngày 27 tháng 9 năm 2014.
Courtesy Vneconomy
Kinh tế thị trường là tinh hoa của nhân loại?
“Kinh tế thị trường là
tinh hoa của nhân loại và thể chế kinh tế của Việt Nam phải là thể chế kinh tế
thị trường.” Đây là quan điểm của Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh được
báo điện tử Thời báo Kinh tế Việt Nam trích thuật, khi đưa tin về Diễn đàn Kinh
tế Mùa thu tổ chức tại Ninh Bình vào cuối tháng 9/2014 vừa qua.
Theo Vneconomy.vn, tại
Diễn đàn này ông Trương Đình Tuyển nguyên bộ trưởng Thương mại, cố vấn cao cấp
của Chính phủ về đàm phán hội nhập quốc tế, một lần nữa đề cập đến nhu cầu xây
dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại cho Việt Nam. Thể chế đó bao gồm ba
trụ cột là thị trường, Nhà nước và xã hội dân sự.
Nhận định về những phát
biểu đầy ấn tượng tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014, TS Nguyễn Quang A nguyên
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, một tổ chức tư nhân ở Hà Nội đã tự
giải thể khi chính phủ ra nghị định ngăn trở tính hoạt động độc lập của IDS,
phát biểu:
“Tôi nghĩ những tiếng
nói như thế đã được cất lên rất nhiều lần và được cất lên rất là may mắn, bây
giờ không phải là những người như là tôi cách đây mười năm chẳng hạn. Mà bây
giờ chính từ miệng những người đang gọi là cố vấn hoặc là để hoạch định chính
sách cho những nhà lãnh đạo và như thế có nghĩa rằng thực sự họ là những người
ảnh hưởng rất mạnh đến quyết định. Còn bản thân những người sử dụng các cố vấn,
những người tư vấn như thế, họ có nghe hay không, vì lý do này hay lý do kia,
thì lại là một chuyện khác. Tôi e rằng các ông ấy cũng nói như thế để cho nó
sướng mồm và cũng là để làm cảnh mà thôi. Bởi vì nhìn những việc làm của những
người có trách nhiệm trong khoảng 10 năm trở lại đây mà họ nắm quyền quyết định
về kinh tế, thì tôi nghĩ rằng họ đã hủy hoại nền kinh tế này một cách rất là
nhất quán và tôi khó có thể tin được đây là những tiếng nói sẽ được lắng nghe.”
Những người sử dụng các
cố vấn, những người tư vấn như thế, họ có nghe hay không, vì lý do này hay lý
do kia, thì lại là một chuyện khác. Tôi e rằng các ông ấy cũng nói như thế để
cho nó sướng mồm và cũng là để làm cảnh mà thôi.
-TS Nguyễn Quang A
Trong giới khoa bảng của
Việt Nam không phải ai cũng đồng ý kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại như
quan điểm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Theo Vneconomy.vn, Phó Giáo sư Tiến sĩ
Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội)
trình bày trước Diễn đàn với ý kiến khác biệt.
Theo lời ông, kinh tế thị trường
không phải là phương thuốc vạn năng để chữa tất cả các căn bệnh của nền kinh tế
Việt Nam. Ông Sơn nhắc lại lịch sử kinh tế thế giới với sự thất bại của thị
trường hay nhà nước hoặc cả hai bên đều thất bại như thời kỳ đại suy thoái
1929-1933, trì trệ kinh tế 1980, khủng hoảng kinh tế Đông Á 1997 hay
khủng hoảng tài chánh ở Hoa Kỳ 2008-2010.
Phó Giáo sư Tiến sĩ
Nguyễn Hồng Sơn trình bày quan niệm của ông mà nhiều người cho rằng sẽ làm giới
bảo thủ hài lòng, vì sẽ không có cải cách triệt để mà chỉ có điều chỉnh từng
phần. Theo đó Việt Nam “cần có thể chế phù hợp cho hoạt động của nền
kinh tế thị trường. Và thể chế này bao gồm các vấn đề liên quan đến sở hữu, đến
luật cạnh tranh và độc quyền và sau hết là cơ chế giải quyết tranh chấp một
loạt các thứ khác.”
Theo VnEconomy, Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung không giấu
được sự giận dữ khi trao đổi với PGSTS Nguyễn Hồng Sơn. Cựu Bộ trưởng Trương
Đình Tuyển góp ý là chính vì thị trường và nhà nước đều có thể thất bại cho nên
rất cần có sự hiện diện của xã hội dân sự.
Đáp câu hỏi của chúng
tôi là Việt Nam vừa ban hành Hiến pháp 2013 (sửa đổi) nay để áp dụng kinh tế
thị trường đúng nghĩa sẽ lại phải sửa Hiến pháp một lần nữa.
Chuyên gia tài
chánh Bùi Kiến Thành từ Hà Nội nhận định:
“Kinh tế Việt Nam là
kinh tế nhiều thành phần vận hành theo kinh tế thị trường dưới sự quản lý của
Nhà nước. Việc này từ thời 1985-1986 đó là bước đầu chập chững bước vào kinh tế
thị trường, bây giờ các vị lãnh đạo đi cùng khắp thế giới qua bên Mỹ qua bên
pháp gặp Tổng thống Pháp, Tổng thống Mỹ yêu cầu công nhận Việt Nam là nền kinh
tế thị trường…Có nghĩa là những tư duy cổ lỗ sỉ mấy chục năm trước dần dần phải
tiêu pha đi thôi và nếu phải sửa đổi Hiến pháp để quyết liệt đi vào kinh tế thị
trường, nếu cần đổi Hiến pháp thì phải đổi thôi cho đúng với thời đại, đó là lẽ
tất nhiên. Tôi không thấy có gì trở ngại.”
Nguyên Bộ trưởng Thương
mại Trương Đình Tuyển phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu tổ chức tại Ninh
Bình ngày 27 tháng 9 năm 2014. Courtesy Vneconomy.
Đối với quan điểm của
nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển về việc Việt Nam cần xây dựng thể
chế kinh tế thị trường bao gồm ba trụ cột là thị trường, Nhà nước và xã hội dân
sự.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định:
“Nếu chưa có thì sẽ phải
có thôi, tương lai gần chưa có thì xa xa một chút cũng phải làm. Đó là lẽ tất
nhiên, ông Tuyển nói rất đúng và lần lần chúng ta sẽ phải đi đến bước xa hơn
nữa. Chẳng những là kinh tế với ba trụ cột ấy mà nhà nước pháp quyền cũng phải
có ba trụ cột của nó, tức là Hành pháp Lập pháp và Tư pháp. Việc ấy lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam chưa có quán triệt được những nhu cầu của một nền
dân chủ pháp trị và nền kinh tế thị trường thực sự. Rồi từ từ chúng ta sẽ phải
đi đến thôi đó là lẽ tất yếu của một nền kinh tế thị trường và của một nhà nước
pháp quyền. Bao giờ sẽ đi đến đích là còn tùy theo sự quán triệt hiểu biết và
sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo Việt Nam mà thôi.”
Xã hội dân sự
Theo những gì báo chí
đưa lên mạng, Nhà nước Việt Nam chưa biểu lộ sự ủng hộ việc thiết lập xã hội
dân sự một cách độc lập ở Việt Nam.
Vneconomy.vn trích lời ông Trương Đình
Tuyển cố vấn cao cấp của Chính phủ về đàm phán hội nhập quốc tế tại Diễn Đàn
Kinh tế Mùa thu 2014. Theo lời ông, khi tham gia đàm phán gia nhập các hiệp
định TPP và FTA “có một từ đang khiến các nhà đàm phán đau đầu tìm từ thay thế.
Đó là sự tham gia của ‘xã hội dân sự’ vào hoạch định chính sách cũng như vào
quá trình xử lý tranh chấp.” Ông Tuyển nhấn mạnh, nhà nước chúng ta không cho
dùng từ “xã hội dân sự” trên các văn bản công khai nên các nhà đàm phán phải
đau đầu.
Theo LS Trần Quốc Thuận,
nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện cư trú ở Hà Nội, việc thiết lập
các tổ chức xã hội dân sự cần được điều chỉnh bằng luật cơ bản là Luật Lập hội
qui định trong Hiến pháp. Tuy vậy Quốc hội dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước
trì hoãn vấn đề này.
Ông nói:
Bây giờ có một số anh em
đứng lên thực hiện mười mấy tổ chức xã hội dân sự nhưng tôi thấy còn mỏng lắm
và cũng không có những gương mặt sáng giá.
-LS Trần Quốc Thuận
“Bây giờ có một số anh
em đứng lên thực hiện mười mấy tổ chức xã hội dân sự nhưng tôi thấy còn mỏng lắm
và cũng không có những gương mặt sáng giá. Dĩ nhiên khởi xướng của anh em rất
là đáng khuyến khích hoan nghêh nhưng mà để đảm bảo những tổ chức đó hoạt động
chính là cơ sở pháp luật, nếu không có Luật Lập hội thì làm sao những tổ chức
đó có cơ sở để phát triển được. Chính quyền muốn dẹp lúc nào thì dẹp.”
Theo trang mạng Infonet,
tham luận của chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh tại Diễn Đàn Kinh tế Mùa thu
2014 đã phác họa lên một bức tranh kinh tế Việt Nam đầy thách thức. Vấn đề nợ
xấu, sự nhận diện cơ cấu nợ xấu, sở hữu chéo và xử lý nợ xấu qua Công ty mua
bán nợ VAMC thực chất chưa khai thông nợ xấu.
Ông Doanh nhận định “không có
tiền tươi thóc thật “cục máu đông” nợ xấu vẫn còn cản trở quá trình lưu thông
của tín dụng trong nền kinh tế. Theo kinh tế gia Lê Đăng Doanh tái cơ cấu doanh
nghiệp Nhà nước thời gian qua chủ yếu tập trung vào cổ phần hoá tuy nhiên tiến
độ cổ phần hóa vẫn rất chậm chạp, tỷ lệ vốn huy động thấp.
Ông Lê Đăng Doanh
cho rằng bên cạnh tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước, cần có đề án tái cơ cấu
khu vực kinh tế dân doanh, động lực quan trọng của nền kinh tế và là khu vực
tạo ra nhiều việc làm nhất cho xã hội. Khu vực này gặp khó khăn rất nhiều và
không được nhà nước hỗ trợ, theo thống kê có tới 200.000 doanh nghiệp tuyên bố phá
sản trong năm 2013.
Vẫn theo trang mạng
Infonet, kinh tế gia Lê Đăng Doanh vạch ra hai nhược điểm trong tái cơ cấu nền
kinh tế. Thứ nhất là vai trò của khoa học-công nghệ hầu như chưa được đề cập
đến như một nhiệm vụ hàng đầu để thúc đẩy hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Thứ
hai là, tái cơ cấu nền kinh tế Việt nam chưa xét đến các yếu tố hội nhập quốc
tế.
Ông Doanh cho rằng Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, như chuẩn
bị tham gia AEC Hội đồng kinh tế ASEAN và TPP Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình
Dương…Nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp những thách thức rất lớn như
các yêu cầu về hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hợp tác với
các tập đoàn lớn của nước ngoài, đáp ứng các yêu cầu sở hữu trí tuệ, vệ sinh an
toàn thực phẩm, đón nhận những thay đổi về thị trường lao động.
Kể từ Diễn đàn Kinh tế
mùa Xuân 2012 tổ chức tại Đà Nẵng cho đến Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 ở Ninh
Bình, các kinh tế gia, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia đầu ngành của
Chính phủ đã tham gia tổng cộng 6 lần Diễn đàn Kinh tế do Ủy ban Kinh tế Quốc
hội phối hợp tổ chức cùng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Phòng Thương mại
Công nghiệp Việt Nam.
Nói theo ngôn ngữ dân
gian kế đã được hiến rất nhiều nhưng sự lắng nghe, điều chỉnh cải cách của nhà
nước thì chẳng được bao nhiêu. Chẳng lẽ lại đúng như lời TS Nguyễn Quang A:
“Các ông ấy nói cho sướng miệng” còn lãnh đạo có lắng nghe hay không lại là một
chuyện khác.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.