On Friday, 27 December 2013 2:00 AM, Quocviet V <> wrote:
Nhóm phóng viên tường trình từ VN 2013-12-20
Khách sạn Trung Quốc tại bờ biển Đà Nẵng.
RFA
Đà Nẵng là một thành phố mà ông Nguyễn Bá Thanh, cựu chủ tịch Đà
Nẵng từng tuyên bố là thành phố không có người ăn xin, không có trộm cắp, không
có xì ke ma túy và không có người nghèo… Thế nhưng, không có quan điểm nào đưa
ra nhằm khẳng định Đà Nẵng không bị Trung Quốc xâm thực. Chính vì thế, ngay
trên hai con đường có tên Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc theo bờ biển Đà Nẵng,
các biệt khu của người Tàu cùng với hàng trăm quán sá mang biển hiệu Tàu mọc
lên dày đặc.
Đâu rồi Đà Nẵng xưa?
Đó là chưa muốn nói rằng hai con đường với bãi cát vàng trải dài,
rừng dừa xanh miên man theo gió biển đã hoàn toàn không còn mang dáng dấp nguyên
sơ của nó bởi mùi hôi thối nồng nặc của cống rãnh cộng với mùi thức ăn Tàu vốn
chặt to kho mặn bốc ra từ các nhà hàng Tàu đã khiến cho bất kì người Việt nào
đi qua hai con đường này cũng phải bụm mũi và ngỡ ngàng không biết mình đang đi
lạc vào khu phố ổ chuột nào đó ở nước Trung Quốc xa xôi.
Một người dân Đà nẵng bức xúc nói: “Chuyện cũ thời xưa, tối tối ra
đường, nó đi đầy đường. Tất cả các quán ven ven đều có bảng hiệu Tàu hết rồi
mà, thực đơn cũng chữ Tàu hết mà!”
Vào vai những du khách xứ Bắc ghé thăm xứ Quảng, chúng tôi dạo một
vòng trên đường Hoàng Sa, con đường mà theo một người dân sống lâu năm ở đây
nói rằng ông Nguyễn Bá Thanh thời còn làm chủ tịch thành phố đã dành riêng cho
việc tiếp đón và lưu trú của khách cấp nhà nước Trung Quốc nhằm khẳng định
Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có riêng tên đường và có riêng đơn vị hành
chính hẳn hoi. Chuyện này hư thực ra sao chưa rõ.
Thế nhưng chưa đầy một năm sau khi ông Nguyễn Bá Thanh rời chức vị
chủ tịch thành phố Đà Nẵng để ra Hà Nội nhậm chức Trưởng Ban Nội Chính Trung
Ương thì mọi việc đã hoàn toàn thay đổi, con đường này trở thành biệt khu của
người Tàu, mọi hoạt động ở đây đều mang dáng dấp của một thành phố Trung Hoa
thu nhỏ.
Biệt khu Trung Quốc ở Đà Nẵng. RFA PHOTO.
Một người dân khác, tên Oanh, sống ở Đà nẵng lâu năm, chia sẻ với
chúng tôi thêm về người Tàu ở thành phố này, bà Oanh cho biết, những năm trước
1980, thành phố Đà Nẵng vốn có rất nhiều người Tàu sống ở đây, họ là hậu duệ
của những vị tướng Tàu “phản Thanh phục Minh”, xuôi thuyền sang Thuận Hóa, tức
Huế bây giờ để xin triều đình nhà Nguyễn cho họ lưu trú, tránh nạn diệt vong
trên quê hương của họ. Sống lâu năm, họ tổ chức thành hội, đoàn, có tổ chức
Minh Hương hẳn hoi.
Thế nhưng, chiến tranh Việt – Trung năm 1979 đã khiến họ đồng loạt
quay về Trung Hoa theo lời hiệu triệu của chính phủ Trung Hoa thời bấy giờ.
Điều này cho thấy người Tàu dù đã sống lâu năm ở đất Việt Nam, họ
vẫn tôn thờ Mao Trạch Đông, vẫn đau đáu về cố quốc và chưa bao giờ xem Việt Nam
là quê hương, là tổ quốc thứ hai của họ giống như người Việt sang Mỹ lưu vong
đã xem đất Mỹ là ân nhân, là quê hương yêu dấu thứ hai của mình. Chính vì thế,
khi người Tàu xuất hiện dày đặc ở Đà Nẵng, điều này khiến cư dân Đà Nẵng cảm
thấy lo ngại và bất an bởi chính sách bành trướng của họ.
Thả con tép câu con tôm
Một người dân Đà Nẵng khác tên Dũng, chia sẻ với chúng tôi rằng
ông thấy người Tàu quá nguy hiểm, họ đã dễ dàng qua mặt nhà cầm quyền cũng như
qua mặt nhân dân ở đây. Ông này nói thêm là thực ra, người Tàu trở lại Đà Nẵng
không phải mới mẽ gì, họ sang đây đã ngót nghét mười năm trên danh nghĩa đi đầu
tư kinh doanh, và hệ quả là những mảnh đất vàng, những điểm trọng yếu dọc bờ
biến Đà Nẵng nhanh chóng trở thành khu xây dựng bí mật của họ, có hẳn tên mới
China Beach. Không có người Việt Nam nào được đến gần khu vực xây dựng của họ.
Theo ông Dũng phân tích, để có được những diện tích trọng yếu này,
chắc chắn họ đã lót tay cho các quan chức không phải ít. Vì nhiều người dân Đà
Nẵng mong mỏi được mua ở khu vực này nhưng không bao giờ có đủ cơ hội để mua.
Nhưng người Trung Quốc đã khéo bỏ tiền ra để lấy trọn một khu vực đẹp nhất,
trọng yếu nhất của Đà Nẵng để biến thành biệt khu của mình.
Khách sạn thuộc một doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam tại Đà
Nẵng. RFA PHOTO.
Và việc mua được những diện tích đất vàng ở Đà Nẵng cũng nhanh chóng
kéo theo hệ quả là người dân ở khu vực này bị Tàu hóa vì động cơ kiếm tiền,
không ít các cô gái ở đây sẵn sàng làm phục vụ ở các bar, nhà hàng của người
Tàu vì theo họ, các ông chủ người Tàu trả tiền rất mát tay và xài rất sang. Hơn
nữa, nếu không chọn làm việc cho các ông chủ người Tàu vốn sống gần nhà mình,
các cô gái này phải đi làm việc trong khu công nghiệp cách nơi họ ở quá xa và
đồng lương cũng còm cỏi.
Thuyền, biệt danh là “Thuyền Ba đờ ghe”, từng làm việc lâu năm với
người Tàu trên đường Hoàng Sa, cho chúng tôi biết: “Họ qua mình họ ở thì đầu tiên cũng thiện cảm với
mình. Nhưng khi mình đã làm việc cho họ rồi thì mình cũng không khác chi người
ở cho họ thôi. Cái cách của họ với mình không thiện cảm lắm đâu. Không giống
như người mình với người mình, có nghĩa là mình làm lấy lương nhưng người ta
quý trọng mình. Còn họ mình làm được thì làm, không làm được thì họ nói khó
chịu lắm! Không dễ đâu! Riêng ở Đà Nẵng đây thì nhiều lắm!”
Hiện tại, Thuyền không còn làm việc với người Tàu ở đây nữa, và cô
cũng ngậm ngùi nhận ra rằng người chủ Trung Quốc chưa bao giờ đối xử tốt với
nhân viên Việt Nam cả, một đồng xu của họ bỏ ra, bao giờ cũng ngầm chứa một phép
toán bên trong mà ở đó, nếu là con gái, phải cộng trừ nhân chia cho ra đáp số
bằng xác thịt, nhục dục và tiết hạnh. Còn nếu là con trai, cái giá phải trả là
những đường dây ma túy, xã hội đen, làm kẻ bưng bô cho ông chủ, phải trả giá bằng
sự vong nô tuyệt đối.
Điều này cho thấy các ông chủ Trung Quốc bao giờ cũng biết sử dụng
đồng tiền và tùy từng tình huống mà kinh doanh nó, chiêu thức thả con tép để
lấy con tôm của họ luôn đắc địa, luôn mang về cho họ phần thắng lợi. Và trên
một mảnh đất, một quê hương mà kẻ ăn không hết, người làm không ra, thì những
“kẻ ăn không hết” sẽ dễ dàng trở thành những tên Việt gian để đưa kẻ ngoại bang
vào làm chủ, còn những “người làm không ra” sẽ rất dễ sa ngã vào những đồng
tiền mị dân của kẻ thực dân mới với vỏ bọc nhà đầu tư, ông chủ tốt bụng.
Tạm biệt thành phố Đà Nẵng, chúng tôi ra thẳng sân bay và mua vé
quay trở về miền Bắc, một cảm giác buồn xâm chiếm đến nghẹt thở, một nỗi bất an
và trĩu nặng khi nghĩ đến chuyện trước đây, Bình Dương, Hà Tĩnh đã dày đặc
người Tàu. Không ngờ, chưa bao lâu sau đó, Đà Nẵng cũng dày đặc người Tàu, rồi
đây, không biết sẽ đến thành phố nào trở thành phố Tàu trên đất nước Việt Nam
nữa đây? Đương
nhiên là người Trung Quốc đã có mặt trên khắp ba miền đất nước! Thật là buồn
khi mơ hồ nhận ra rằng mình đang lưu vong trên quê cha đất tổ của mình!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.