Từ “Quyết liệt” đến…
“Liệt”
Trần Ngân
Bài
này của tác giả Trần Ngân gửi trực tiếp cho viet-studies dưới đầu đề: Thủ tướng Dũng và nền kinh tế thị
trường “định hướng quyết liệt”. BVN xin phép đăng lại
và chỉ thay lại đầu đề như trên để độc giả nắm ngay được cái hồn cốt của
bài.
Bauxite
Việt Nam
Ngày
27/06/2006, Quốc hội bầu ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ tướng. Trong cuộc
trả lời trực tuyến đầu tiên của một thủ tướng Việt Nam vào ngày 9/2/2007,
ông dùng rất nhiều từ “quyết liệt”. Trong toàn bộ cuộc trả lời được ghi tại
đây (Chính phủ, 9/2/2007), thủ tướng Dũng đã ít nhất 7 lần
dùng từ “quyết liệt” trong mọi lĩnh vực, từ điều hành kinh tế, văn hóa xã
hội tới chống ùn tắc giao thông, chống tham nhũng…
Thực
ra thủ tướng Dũng không phải vị lãnh đạo cao cấp đầu tiên dùng từ “quyết
liệt”. Các vị tiền nhiệm của ông như Võ Văn Kiệt hay Phan Văn Khải cũng
có dùng từ này nhưng với tần suất rất thấp, chỉ đôi khi mới nghe thấy.
Nhưng từ khi thủ tướng Dũng lên nắm quyền thì từ “quyết liệt” được dùng rất
nhiều ở Việt Nam. Có thể khẳng định chắc chắn là do thủ tướng rất thích
dùng từ này nên đã tạo ra một trào lưu ăn theo nói leo của đám cấp dưới đến
nỗi theo tác giả bài này, có thể gọi thủ tướng là “Dũng quyết liệt” và
nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây là “Nền kinh tế thị trường theo định
hướng quyết liệt”.
Trong
từ điển tiếng Việt, “quyết liệt” được định nghĩa là “kiên quyết” và “mãnh
liệt”. Điều này cho thấy những người hay dùng từ “quyết liệt” là những
người có “quyết tâm” cao, rất nhiệt huyết trong công việc, cống hiến hết
mình, liên tục làm việc với cường độ cao để đạt được kết quả cao nhất
trong công việc. Trong một nền hành chính còn trì trệ như ở Việt Nam thì
nếu có những người thật sự “quyết liệt” như vậy thì quá là đáng quý quá.
Vậy ở đây chúng ta thử điểm lại những lĩnh vực mà thủ tướng Dũng đã chỉ đạo
“quyết liệt” xem hiệu quả của những chỉ đạo này tới đâu.
1. Quyết liệt tăng trưởng kinh tế
Thủ tướng
Dũng là người thích tăng trưởng cao nên tất nhiên đây là lĩnh vực được thủ
tướng ưu tiên “quyết liệt”. Ngay khi mới nhận chức, vào cuối năm 2006,
khi họp Chính phủ:
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tập trung chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành thắng
lợi nhiệm vụ KT-XH năm 2006 (Chính phủ, 1/12/2006)
Trong
kỳ họp Chính phủ tháng 10/2007, dù lạm phát đã tăng cao ở mức nguy hiểm
nhưng thủ tướng vẫn chỉ thị:
…
để đạt mục tiêu tăng GDP 8,5% trong năm 2007, đòi hỏi các bộ, ngành, địa
phương phải tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các
giải pháp chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra từ đầu
năm đến nay. (Chính phủ, 6/10/2007)
Vào
tháng 12/2007, lạm phát đã tăng hơn 12% nhưng khi họp bàn về kế hoạch cho
năm 2008, thủ tướng Dũng vẫn chỉ đạo trước cho năm mới:
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng: Điều hành quyết liệt ngay từ đầu
năm 2008 để đạt tăng trưởng GDP 9% và chỉ số tăng giá cả thấp hơn tốc độ
tăng GDP (Chính
phủ, 24/12/2007)
Sang
năm 2009, khi bàn kế hoạch cho năm 2010:
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tăng trưởng GDP năm 2009 ước tính ở mức
5,2%, thấp nhất trong 10 năm gần đây. Trong năm 2010 Chính phủ sẽ thực hiện
quyết
liệt 6 biện pháp để đạt tăng trưởng GDP 6,5%, thu nhập
bình quân đầu người 1.200 USD. (Tiền phong, 20/10/2009)
Sang tới
năm 2013, thủ tướng vẫn tiếp tục “quyết liệt”:
Trong
phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các
giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP…(Chính phủ,
28/2/2013)
Không
rõ hiệu quả của sự “quyết liệt” trong điều hành và chỉ đạo của thủ tướng
Dũng tới đâu mà từ khi thủ tướng lên cầm quyền, tốc độ tăng trưởng kinh tế
của Việt Nam có xu hướng thấp hơn hẳn giai đoạn trước đó (và có rất nhiều
khả năng là sẽ còn tiếp tục thấp trong thời gian tới):
Tốc
độ tăng trưởng GDP của Việt Nam, 2002-2012
Đơn vị:
%
2002
|
2003
|
2004
|
2005
|
2006
|
2007
|
2008
|
2009
|
2010
|
2011
|
2012
|
7,08
|
7,34
|
7,79
|
8,44
|
8,17
|
8,5
|
6,23
|
5,32
|
6,78
|
5,89
|
5,03
|
Nguồn: Tổng cục Thống
kê
2. Quyết liệt chống lạm phát
Do hậu
quả của chính sách mở rộng đầu tư để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế
mà sau khi thủ tướng Dũng lên nắm quyền, lạm phát bắt đầu có xu hướng
tăng cao. Ngay từ năm 2007, thủ tướng Dũng đã tỏ ra “quyết liệt” với lạm
phát. Trong cuộc họp ngày 12/8/2007 với các Bộ, ngành:
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng: Quyết liệt kiềm chế tốc độ
tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. (Chính phủ, 12/8/2007)
Sang
năm 2008, đợi mãi lạm phát chưa xuống, thủ tướng lại tiếp tục “quyết liệt”
nhiều lần nữa, ví dụ:
Thủ
tướng vừa chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt kiềm chế lạm
phát và ổn định kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm… (Vneconomy,
26/6/2008)
Sau
đó, do lạm phát là vấn đề nóng nên thủ tướng liên tục chỉ đạo “quyết liệt”
về vấn đề này, chẳng hạn:
Tại
phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2010, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ,
ngành địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm
chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường, giá cả. (Infotv, 3/12/2010)
Các
năm sau cũng thế:
“Các
bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kiên trì, đồng
bộ các giải pháp và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ về bình ổn
giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an
sinh xã hội”.
(Petrotimes, 5/5/2011)
Họp với
các địa phương ngày 25/12/2012 về kế hoạch cho năm 2013, thủ tướng cũng
căn dặn:
Các
địa phương cố gắng, quyết liệt kiểm soát ngay
trong tháng một tới. Quy luật hàng năm cho thấy CPI quý một chiếm tỷ lệ lớn
trong lạm phát cả năm. (Vnexpress, 26/12/2013)
Chỉ tiếc
là tốc độ tăng trưởng GDP càng được thủ tướng “quyết liệt” chỉ đạo thì
càng giảm trong khi lạm phát được chỉ đạo “quyết liệt” thì lại ngày càng
tăng.
Tỉ
lệ lạm phát của Việt Nam, 2002-2012
Đơn vị:
%
2002
|
2003
|
2004
|
2005
|
2006
|
2007
|
2008
|
2009
|
2010
|
2011
|
2012
|
4
|
3
|
9,5
|
8,4
|
6,6
|
12,63
|
19,9
|
6,88
|
11,75
|
18,58
|
6,81
|
Nguồn: Tổng cục Thống
kê
3. Quyết liệt với DNNN
Có thể
nói thủ tướng Dũng là một tín đồ rất sùng bái DNNN tới mức mê tín. Tháng
2/2011, sau khi Vinashin sụp đổ, thủ tướng vẫn nói:
“Nếu
trong khủng hoảng vừa qua, với những nguy cơ về tăng trưởng âm, về an
sinh xã hội, ổn định các chỉ tiêu vĩ mô, nếu không có
các doanh nghiệp nhà nước, chắc chắn chúng ta không đạt được những thành
quả như hôm nay”, Thủ tướng khẳng định. (Chính phủ, 15/2/2011)
Mười
tháng sau đó, thủ tướng lại nhấn mạnh:
“Đánh
giá hiệu quả của DNNN phải công bằng, không thể nói DNNN là “ăn hại”. Những
kết quả mà DNNN đã đóng góp là không thể phủ nhận. Nếu không có
DNNN thì Nhà nước không thể điều tiết, ổn định vĩ mô” (Vietnamnet, 8/12/2011)
Đặc biệt,
thủ tướng Dũng có niềm si mê cuồng nhiệt với các tập đoàn lớn, đa ngành.
Nhà báo Huy Đức cho biết:
Trước
Đại hội Đảng lần thứ X, ông Nguyễn Tấn Dũng được giao làm Tổ trưởng biên
tập báo cáo kinh tế của Ban chấp hành Trung ương trước Đại hội. Ông đòi
ghi vào báo cáo chủ trương cho doanh nghiệp nhà nước được kinh doanh đa
ngành. Các thành viên trong tổ phản đối vì điều này ngược với quan điểm
phát triển doanh nghiệp nhà nước xác lập từ thời thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Thay vì tiếp thu, ông Nguyễn Tấn Dũng đã viết ra giấy, buộc các thành
viên trong tổ phải ghi vào Báo cáo kinh tế nguyên văn: “Thúc đẩy việc
hình thành một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động
đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có một số ngành chính; có nhiều chủ sở hữu,
trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối”. (FB của Huy Đức)
Năm
2008, khi họp mặt với các tập đoàn con cưng, thủ tướng phê bình:
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra một số yếu kém, hạn chế của
Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, đó là quy mô của các Tập đoàn, Tổng công
ty Nhà nước còn nhỏ, thể hiện ở việc không có Tập đoàn nào
được xếp vào danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới” (Chính phủ, 22/2/2008).
Để
nhanh chóng làm cho các tập đoàn này “được xếp vào danh sách 500 của thế
giới”, thủ tướng đã chỉ đạo:
Các
Tập đoàn, DNNN cần tập trung đầu tư quyết liệt vào sản xuất
kinh doanh, đóng góp lớn hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế đất nước, đồng
thời góp phần giảm lạm phát… Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các
Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước triển khai các công trình, dự án trọng điểm
của Nhà nước có hiệu quả cao, đúng tiến độ. (Chính phủ, 22/2/2008)
Năm
2011, thủ tướng lại “quyết liệt” giao chỉ tiêu cho các tập đoàn là phải
tăng trưởng được 15% bất chấp lạm phát đang tăng vùn vụt.
Năm
2011, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho toàn khối: Xây dựng kế hoạch sản xuất
kinh doanh, đầu tư để đạt mức tăng trưởng bình quân 15%. Trên tinh thần
đó, Thủ tướng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty đi đầu trong việc xây dựng
các kế hoạch và triển khai một cách sát sao, đồng thời quyết liệt, nỗ lực thực
hiện các giải pháp đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh (Chính phủ, 15/2/2011)
Kết quả
sau khi nhận được chỉ đạo là phải đầu tư “quyết liệt” để tăng trưởng
nhanh, tình hình các DNNN ngày càng bết bát, lỗ lã, nợ nần tăng cao khủng
khiếp. Tính tới cuối năm 2012 thì tổng nợ phải trả của các DNNN là hơn
1,33 triệu tỷ đồng hay hơn 60 tỷ USD.
Sang tới
đầu năm 2013, lại tiếp tục có chỉ đạo:
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, trong năm 2013, thực hiện quyết liệt việc tái
cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt, trọng tâm là tập
đoàn kinh tế và tổng công ty;… (Chính phủ, 16/1/2013)
4. Và “quyết liệt” trong một số
lĩnh vực khác
Thủ tướng
Dũng còn quyết liệt trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chống tham
nhũng, xóa đói giảm nghèo, giảm nhập siêu, giảm lãi suất, giảm tiêu chảy…
cái gì thủ tướng cũng quyết liệt hết. Dưới đây là một vài ví dụ:
Quyết
liệt chống tham nhũng:
Thủ tướng
đã “quyết liệt” chống tham nhũng từ lúc mới nhậm chức:
Ngày 27/7,
tại Hà Nội, BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tiến hành phiên
họp lần thứ 4. Tại phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo : công tác phòng, chống
tham nhũng phải được tiếp tục làm quyết liệt từ Trung ương
đến địa phương.
(Tiền phong, 27/7/2007)
Nhưng
tham nhũng mãi không giảm nên thủ tướng là Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống
tham nhũng TW càng quyết liệt hơn:
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu đặt ra là phải tập trung chỉ đạo thực
hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nội dung phòng, chống tham nhũng
theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (Hà Nội mới,
25/4/2012)
Quyết
liệt xóa đói giảm nghèo:
Thủ
tướng đề nghị Bộ và ngành LĐ-TB&XH …tập trung làm quyết liệt hơn nữa công
tác giảm nghèo, đặc biệt giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào
dân tộc…
(Người cao tuổi, 8/1/2013)
Quyết
liệt giảm lãi suất:
Thủ
tướng khẳng định, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các biện
pháp điều hành hạ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh,
trong đó tập trung vào xử lý nợ xấu và hàng tổn kho. (Diễn đàn doanh nghiệp, 26/1/2013)
Quyết
liệt ngăn chặn phá rừng:
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành và
các tỉnh Tây Nguyên quyết liệt tập trung ngăn
chặn nạn phá rừng (VOV, 17/1/2012)
Quyết
liệt xử lý nợ xấu:
Thủ
tướng yêu cầu… Ngân hàng Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong
tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu thông qua quỹ trích lập dự
phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ… (Người đồng hành, 28/2/2013)
Quyết
liệt tái cơ cấu ngân hang
Tại
hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu NHNN chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện việc
tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại giai đoạn 2011-2015. (Pháp luật TP.HCM, 18/12/2011)
Quyết
liệt đưa tiền về doanh nghiệp:
Chính
phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác chỉ đạo quyết liệt làm sao để
dòng tiền ra được và tới các doanh nghiệp. (VTC, 28/2/2013)
Quyết
liệt giảm nhập siêu:
Thủ
tướng cũng yêu cầu các bộ ngành quyết liệt trong việc đẩy
mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu. (Sài
Gòn giải phóng, 16/3/2011)
Quyết
liệt thực hiện bảo hiểm y tế:
Thủ
tướng yêu cầu… ngành Y tế cần quyết liệt thực hiện BHYT
toàn dân… (Bảo hiểm xã hội, 20/2/2013)
Quyết
liệt chống tiêu chảy:
Thủ
tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần triển khai nghiêm các nội
dung phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm với tinh thần quyết liệt ở mức cao nhất;(Sức khỏe đời sống, 2/11/2007)
Quyết
liệt giảm tai nạn giao thông:
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, các Bộ
Giao thông vận tải, Công an và các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh hơn
nữa, quyết liệt hơn nữa các biện
pháp ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông (Tuổi trẻ, 26/5/2011)
Quyết
liệt giảm quá tải bệnh viện:
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp
để giảm quá tải bệnh viện, “xóa” tình trạng người bệnh phải nằm ghép và đề
án phải hoàn thành trước 30/6. (Dân trí, 1/3/2012)
Quyết
liệt trong công tác ngoại giao:
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, năm 2012, ngành Ngoại giao phải tiếp tục tập
trung nắm chắc tình hình để tham mưu, kiến nghị, đề xuất cho Đảng, Nhà nước
khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đồng thời ngành cần tận
dụng tối đa các cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực, quyết liệt hoàn
thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao. (Chính phủ, 14/12/2011)
5. Kết luận
Trên
đây chỉ là một số dẫn chứng tiêu biểu vì tác giả không muốn làm độc giả
quá hoa mắt vì những chỉ dụ “quyết liệt” đã được thủ tướng ban hành. Tóm
lại, có thể thấy rằng thủ tướng Dũng đã “quyết liệt” trong rất nhiều lĩnh
vực nhưng bất hạnh thay cho thủ tướng và người dân Việt Nam là hầu như
lĩnh vực nào mà được thủ tướng “quyết liệt” điều hành và chỉ đạo thì lĩnh
vực đó chỉ có càng ngày càng tệ đi. Quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng thì
tăng trưởng ngày càng đi xuống. Quyết liệt kiềm chế lạm phát thì lạm phát
ngày càng tăng lên đến mức cao thứ nhì thế giới trong năm 2011.
Quyết liệt
kiềm chế tham nhũng thì tham nhũng và đi kèm với nó nạn chạy chỗ, chạy chức,
chạy quyền ngày càng lan rộng và ăn sâu vào nền kinh tế, vào thể chế, vào
toàn bộ xã hội. Quyết liệt điều hành đám con cưng tập đoàn thì đám con
cưng ngày càng ăn tàn phá hại, nợ đầm nợ đìa…
Có thể
có người cho là từ “quyết liệt” với thủ tướng Dũng đã trở thành “sáo ngữ”,
nói quen miệng nên đụng đâu nói đó. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như
vậy. Việc thủ tướng Dũng liên tục dùng từ này thể hiện rõ tư duy của ông về
cách điều hành nền kinh tế nói riêng và điều hành nhà nước nói chung. Thủ
tướng cho rằng có thể dùng ý muốn, ý chí chủ quan của mình để can thiệp
vào sự vận hành khách quan của nền kinh tế và bắt nền kinh tế đi theo ý
muốn chủ quan của mình. Điều này là hết sức nguy hiểm.
Khi một quốc gia
chấp nhận nền kinh tế thị trường tức là cũng phải chấp nhận rằng, về cơ bản
thị trường thông minh
hơn trí khôn chủ quan của con người. Kinh nghiệm phát triển hàng trăm năm
qua cho thấy, dù có nhiều khiếm khuyết thì thị trường vẫn là cơ chế kinh
tế tốt nhất để tạo ra của cải và sự phồn vinh cho xã hội.
Một nhà nước
khôn ngoan là nhà nước xây dựng một cơ chế thị trường minh bạch, dựa trên
cơ chế cạnh tranh để cho các chủ thể trong nền kinh tế tự vận hành và nhà
nước chỉ là người tham gia chỉnh
sửa những khuyết tật của thị trường như hiện tượng ngoại ứng,
độc quyền hay thiếu hụt hàng hóa công. Nếu cứ cố gắng dùng các công cụ
hành chính can thiệp mạnh và hướng các nguồn lực khan hiếm của nền kinh tế
đi theo ý muốn chủ quan của mình thì gần như không tránh khỏi thất bại
cay đắng.
Thực
tiễn nền kinh tế Việt Namtrong vài năm qua đã cho thấy điều đó rất rõ.
Chính vì thủ tướng Dũng đã muốn các tập đoàn con cưng của mình nhanh
chóng “sánh vai” với các tập đoàn lớn trên thế giới nên đã “quyết liệt” dồn
quá nhiều nguồn lực khan hiếm cho những cái cối xay tiền như Vinashin,
Vinalines, EVN, TKV[i]…
Đáng lẽ phải chống lạm phát bằng cách minh bạch hóa chi phí của các tập đoàn
nhà nước, tạo cơ chế để bắt buộc các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng
trên thị trường thì lại can thiệp thô bạo bằng các mệnh lệnh hành chính
như chỉ thị không được tăng giá điện, giá than… làm thị trường ngày càng
trở nên méo mó và cuối cùng khi không kìm được giá nữa thì phải tăng đột
ngột ở biên độ cao làm cho nền kinh tế phải chịu các cú sốc không đáng
có.
Việc
liên tục dùng từ “quyết liệt” ở tần suất cao cũng cho thấy tính cách của
thủ tướng Dũng là chỉ thích làm việc theo suy nghĩ chủ quan của mình,
không muốn nghe những lời can gián hay nói trái của cấp dưới.
Điều này thể
hiện quá rõ qua việc thủ tướng giải thể Ban nghiên cứu của Thủ tướng ngay
khi mới nhậm chức hay ký Quyết định 97/2009/QĐ-TTg
thu hẹp đáng kể quyền phản biện của các tổ chức. Bản thân Viện Nghiên cứu
Quản lý kinh tế TW là một viện nghiên cứu của chính phủ nhưng khi phê
phán chính phủ nhiều quá cũng bị thủ tướng nhắc nhở:
Người
đứng đầu Chính phủ đề xuất Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
hoàn thiện hệ thống thể chế, “không nên phê
phán Chính phủ nhiều nữa, cần tập trung vào làm”. (Vietnamnet, 8/12/2011)
Một quốc
gia mà người lãnh đạo cao nhất không muốn nghe những lời nói trái của trí
thức, chỉ thích nghe tâng bốc, nịnh bợ mình thành “thủ tướng xuất sắc nhất
châu Á”, chỉ thích làm theo ý muốn chủ quan của mình thì làm sao quốc gia
đó có thể phát triển trong một môi trường quốc tế cạnh tranh ở mức độ rất
cao như hiện nay? Nguy hiểm hơn nữa là tư duy điều hành này của thủ tướng
Dũng vẫn không có gì thay đổi dù thủ tướng đã phải chịu sức ép mà xin lỗi
trước Quốc hội vào cuối năm 2012.
Cứ nhìn những chỉ đạo trong thời gian gần
đây của thủ tướng thì vẫn đầy những từ “quyết liệt”. Ngạn ngữ phương Tây
có câu rất hay là: “You cannot teach an old dog new tricks” nghĩa là “Bạn
không thể dạy trò mới cho một con chó già” rất đúng trong trường hợp này.
Như vậy đã có thể nhìn thấy trước tương lai của ViệtNamtrong những năm tới,
nếu thủ tướng Dũng còn nắm quyền rồi.
Như đã
nói ở trên, việc thủ tướng Dũng ở đâu, lĩnh vực nào cũng dùng từ “quyết
liệt” cũng đã góp phần tạo nên một trào lưu ăn theo nói leo ở các quan chức
thấp hơn. Bây giờ mở bất cứ văn bản nào của các bộ ngành, cơ quan hành
chính mọi cấp, trong diễn đàn của hội đồng nhân dân, Quốc hội… đi đâu
cũng thấy từ “quyết liệt”. Một người có IQ ở mức bình thường cũng thừa hiểu
rằng với mức lương chính thức ở mức chưa đủ sống như hiện nay, muốn các
viên chức nhà nước làm việc ở mức “bình thường” cũng đã khó chứ đừng nói
là bắt họ “quyết liệt”.
Từ “quyết liệt” may lắm chỉ phù hợp trong những
tình huống khẩn cấp như chống bão lớn, cứu đói trên diện rộng… Dùng từ
“quyết liệt” quá nhiều trong khi ai cũng biết là chả thể “quyết liệt” nổi
chính là làm cho xã hội trở nên quen với thói dối trá, lãnh đạo thì thêm
quen với việc hô hào suông những lời rỗng tuếch, thùng rỗng kêu to, mồm
miệng đỡ chân tay.
Tóm lại,
nếu thủ tướng Dũng và bộ máy dưới quyền vẫn tiếp tục giữ tư duy điều hành
nền kinh tế theo kiểu “quyết liệt” như từ giữa năm 2006 tới nay thì thủ
tướng càng Quyết, nền kinh tế sẽ càng Liệt hay nói đúng hơn là thủ tướng
và bộ máy của mình đang Quyết (tâm) làm đất nước Liệt đi như thực tế đang
diễn ra.
T.
N.
[i]
Cùng với Phó thủ tướng lúc đó là ông Sinh Hùng đã ký văn bản ép các ngân
hàng cho Vinashin vay 10.000 tỷ (Vneconomy, 25/9/2008) thì thủ tướng Dũng cũng chỉ đạo
ngân hàng cho Tập đoàn điện lực EVN vay 10.000 tỷ để làm vốn lưu động (Tuổi trẻ, 6/9/2011)
Nguồn:
http://www.viet-studies.info/kinhte/TranNgan_ThuTuongQuyetLiet.htm
|
|
|
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.