FDI:
'Cỗ máy hiệu quả duy nhất của VN'
Cập nhật: 10:50 GMT - thứ ba, 26 tháng 11, 2013
Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam tập trung chủ yếu
vào khu vực công nghiệp chế biến
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) của Việt Nam công bố số
liệu cho thấy tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt
Nam trong 11 tháng đầu năm đạt 20.815 tỷ đôla, tăng 54.2% so với cùng kỳ năm
2012.
Khu vực công nghiệp chế biến là lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI
nhất, với tổng số vốn cấp mới và đăng ký thêm là 16.078 tỷ đôla, chiếm 77.2%
tổng vốn FDI đăng ký.
Đứng thứ nhì là lĩnh vực sản xuất, với tổng vốn FDI đăng ký cấp
mới và tăng thêm là 2 tỷ đôla. Thứ ba là khu vực bất động sản, với tổng vốn FDI
đăng ký cấp mới và tăng thêm là 884 triệu đôla.
Trả lời BBC ngày 26/11, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói việc FDI tăng trong
11 tháng đầu năm là "tín hiệu lạc quan và tích cực".
Vì sao FDI tăng mạnh?
"Trong bốn cỗ máy của nền kinh tế Việt Nam: Doanh nghiệp Nhà nước,
doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp và đầu tư nước ngoài thì chỉ có đầu tư nước ngoài
là hoạt động hiệu quả. "
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
Theo ông Doanh, có ba nguyên nhân chính khiến vốn FDI đổ vào Việt
Nam tăng mạnh:
"Nguyên nhân đầu tiên đó là lợi thế về lương thấp của Việt
Nam so với các nước trong khu vực," ông nói.
"Thí dụ Tập đoàn Samsung ... đánh giá rằng lao động Việt Nam
thông minh, khéo tay, và học rất nhanh. Samsung cho rằng năng suất lao động của
lao động Việt Nam bằng 80% so với công nhân ở Hàn Quốc, trong khi chi phí lao
động chỉ bằng 10%."
"Đó là lý do Samsung xây dựng thêm một nhà máy lắp ráp điện
thoại Galaxy thứ hai ở Thái Nguyên với số vốn 1.2 tỷ đôla."
Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam của Samsung
đã giúp đưa Thái Nguyên thành địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất, với tổng
vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm hơn 3,35 tỷ đôla, chiếm 16.1% tổng vốn đăng ký
vào Việt Nam, theo thống kê mới nhất.
"Ngoài ra, phải kể đến kỳ vọng Viêt Nam sẽ gia nhập Hiệp định
Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Việt Nam lần đầu tiên có triển vọng ký kết một
hiệp định gia nhập khối hợp tác với những nền kinh tế phát triển hơn rất nhiều
... Và những nền kinh tế đó có giá trị bổ sung hơn là cạnh tranh," ông
Doanh nói.
"Tôi nghĩ rằng đó là động cơ thúc đẩy các nhà đầu tư đẩy vốn
mạnh hơn vào Việt Nam."
"Một lý do nữa, đó là xu hướng 'Trung Quốc+1' của các nhà đầu
tư Nhật Bản"
"Họ thấy cần phải đa dạng hóa địa điểm đầu tư, và những nơi
họ có thể lựa chọn, đó là Trung Quốc cộng với Việt Nam, cộng với Thái Lan,
Indonesia hoặc Malaysia."
Trong báo cáo mới nhất, Nhật Bản vẫn là chủ đầu tư lớn nhất tại
Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm hơn 5.6 tỷ đôla chiếm
27.3% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp FDI chiếm đa số tổng giá trị xuất khẩu của Việt
Nam
'Cỗ máy duy nhất hoạt
động hiệu quả'
Tiến sỹ Doanh cho rằng "khu vực đầu tư nước ngoài trong thời
gian vừa quan hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều so với trong nước."
"Hiện nay các doanh nghiệp FDI đã chiếm 65-68% tổng giá trị
xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó các doanh nghiệp trong nước vẫn xuất khẩu
các mặt hàng truyền thống như gạo, cà phê hạt, hột tiêu, chậm có thay
đổi," ông nói.
"Các doanh nghiệp nước ngoài lại không phải chịu áp lực lạm
phát ở trong nước cũng như áp lực lãi suất, tín dụng cao hoặc áp lực đóng băng
tín dụng."
"Họ có nguồn vốn từ các công ty mẹ ở nước ngoài, được vay tín
dụng ở điều kiện thuận lợi và cũng nằm trong một chuỗi giá trị mà thị trường
được đảm bảo tốt hơn, ít bị biến động hơn."
"Đó là lý do có nghiên cứu nói rằng trong bốn cỗ máy của nền kinh tế Việt Nam: Doanh
nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp và đầu tư nước ngoài thì chỉ có đầu tư nước ngoài là hoạt động hiệu quả. Còn ba cỗ máy còn lại thì rất yếu kém,"
ông Doanh nhận định.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.