Làng
Văn kiện IDG 'vi phạm bản quyền'
Cập nhật: 15:58 GMT - thứ ba, 28 tháng 1, 2014
Vinagame (VNG) là công ty mẹ của Zing
Công ty sản xuất băng, đĩa nhạc Làng Văn kiện quỹ đầu tư Mỹ IDG vì đầu tư vào Zing, trang mạng xã hội bị tố cáo vi phạm bản quyền tại Việt Nam.
Hãng tin AP của Hoa Kỳ nói Làng Văn, hãng nhạc Việt hải ngoại đặt trụ sở ở Mỹ, đòi kiện International
Data Group (IDG) đặt ở Massachusetts, quỹ IDG Ventures của hãng, chi nhánh
IDG Ventures Vietnam và VNG, công ty
sở hữu trang Zing.vn.
IDG Ventures Việt Nam đầu tư vào VNG hồi năm 2005.
Zing.vn bị tố cáo đăng tải 3.000 bài hát của Làng Văn và hãng nhạc Việt này đã nhiều lần yêu cầu Zing trả tiền bản quyền hoặc phải gỡ các bản nhạc xuống.
Làng Văn nói Zing cho phép người dùng trang Zing.vn tải xuống miễn phí nhạc của Làng Văn để tăng lượng người dùng và tạo doanh thu quảng cáo cũng như các cơ hội kinh doanh khác.
Bồi thường triệu đô?
Người đứng đầu VNG ở Việt Nam từ chối bình luận trong khi đó một tuyên bố của IDG nói IDG
Ventures Vietnam đã bán cổ phần của họ ở VNG hồi năm 2009.
Hãng tin AP dẫn tài liệu nộp tại tòa án ở California nói "Quỹ IDG Ventures có
trụ sở tại Hoa Kỳ đã trực tiếp góp phần vào sự tăng trưởng vượt bậc của trang Zing.vn
cũng như việc khai trương trang Zing Music, đóng góp về kỹ thuật, tư vấn và tài chính để giúp VNG phát triển kinh
doanh."
Người điều hành IDG
Ventures Vietnam là ông Henry Nguyễn Bảo Hoàng, con rể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đang là Tổng giám đốc IDG Ventures
Vietnam.
Luật sư của Làng Văn, Ryan
Becker, được AP dẫn lời nói:
"Chuyện anh có thể cấp tài chính cho một công ty không có nghĩa là anh có thể trốn tránh hậu quả khi công ty đó vi
phạm bản quyền."
Làng Văn đang đòi bồi thường 150.000 đôla
cho mỗi lần vi phạm và như vậy tổng số tiền phạt sẽ có thể lên tới mức tối đa 3000 lần của khoản tiền này nếu thẩm phán thuận theo đòi hỏi của Làng Văn.
AP nhận định đây là vụ kiện phức tạp và kết quả của nó sẽ phụ thuộc vào chuyện IDG có biết hoặc có khả năng kiểm soát được các hoạt động kinh doanh của VNG ở Việt Nam không.
Hãng tin Hoa Kỳ cũng nói cả Samsung và
Coca-Cola đã chấm dứt quảng cáo trên Zing
do lo ngại về vấn đề bản quyền trong khi Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng đã hủy tài khoản mạng xã hội của họ trên trang này vì
vấn đề tương tự.
Trên trang Zing Me, sứ quán Mỹ hiện để lại thông điệp của họ: " Chúng tôi
ngừng không cập nhật trang zingme của Đại sứ quán Mỹ cho tới khi công ty Zing
có những bước tiến để bảo vệ quyền tác giả."
VN
vẫn nhập siêu nhiều nhất từ TQ
Cập nhật: 14:22 GMT - thứ ba, 28 tháng 1, 2014
Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt mức 23.7 tỉ đô la trong năm
2013, tăng 45% so với năm 2012, theo thông tin từ Tổng Cục Hải Quan.
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong năm
2013, với tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 50.2 tỉ đô la, nhiều gần gấp đôi so với nước đứng thứ hai là Hoa Kì (29
tỉ đô la).
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng 7% trong năm
qua, trong khi nhập khẩu từ quốc gia láng giềng tăng tới 28%. Như vậy tốc độ tăng nhập khẩu nhanh gấp 4 lần so với xuất khẩu, tạo ra nhiều lo ngại về sự chênh lệch cán cân thương mại với Trung Quốc.
Bấm Báo Dân Trí từng dẫn lời Bộ Công Thương cho biết, nhập siêu từ Trung Quốc tăng 76 lần trong 10 năm
qua.
Bấm Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
từng nói với BBC rằng mức nhập siêu lớn "gây ra sức ép rất nặng đối với kinh tế Việt Nam vì nó khiến Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc."
"Một nền kinh tế nhập siêu nặng như vậy thì phải chịu nhiều hậu quả, một là mất ngoại tệ, hai là mất thị trường trong nước và ba là công nhân trong nước mất công ăn việc làm."
"Khi người tiêu dùng Việt Nam mua hàng của Trung Quốc thì đồng nghĩa với việc họ trả lương cho công nhân
Trung Quốc."
Tổng Cục Hải Quan cho biết, cả hai khối doanh nghiệp FDI và doanh
nghiệp trong nước đều đẩy mạnh nhập khẩu Trung Quốc trong năm qua, với tổng mức tăng lần lượt là 39% và 17%.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc-thiết bị (chiếm 18%), đồ may mặc-da giày (chiếm 15%), và điện thoại di động (15%).
Quốc gia mà Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn thứ nhì là Hàn Quốc, với tổng nhập siêu là 14 tỉ đô la. Theo Tổng Cục Hải Quan, 82% nhập khẩu của Việt Nam đến từ các quốc gia Châu Á.
Trong một xu hướng ngược lại, Hoa Kỳ là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam, với tổng giá trị đạt 19 tỉ đô la trong năm 2013. Xuất khẩu vào Mỹ tăng 20%, trong
khi hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này chỉ tăng 8%.
Thị trường Châu Âu đứng thứ hai, với thặng dư thương mại cho Việt Nam đạt 17 tỉ đô la.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.