Thứ năm 19 Tháng Mười Hai 2013
Thiếu niên châu Á học giỏi : Mừng gần nhưng phải lo xa
Singapore cũng như Thượng Hải đứng hạng cao theo kết quả Pisa
(Wikimédia)
Các quốc gia châu Á, trong đó Việt Nam củng cố hạng đầu trong kết
quả thẩm định năng lực học sinh gọi tắt là Pisa thuộc Tổ chức OCDE (Hợp tác
Kinh tế và Phát triển) thực hiện. OCDE cho rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa
"học sinh, gia đình và giáo chức" là điểm mạnh của nền giáo dục Á
Châu. Thực tế như thế nào ? Giáo sư Nguyễn Dư, trường Ecole Centrale tại Lyon
phân tích.
Kết quả khảo sát năng lực đọc hiểu, khoa học và toán của lớp tuổi
15 được công bố hồi đầu tháng 12 gây phấn chấn tại Á Châu và nhất là ở Việt
Nam. Học sinh thành phố Thượng Hải của Trung Quốc (nhưng không phải là cả nước)
đứng đầu bảng xếp hạng 65 nước,năm 2012. Tiếp theo đó là học sinh Singapore,
Hồng Kông, Đài Loan Hàn Quốc và Nhật Bản áp đảo học sinh Tây phương cùng cấp
tuổi.
Việt Nam mà nền giáo dục bị chính nhà nước than phiền là đang
xuống dốc với con số học sinh bỏ học đạt mức báo động có năm lên đến 100.000 cũng
giành được hạng 8 về môn toán. Trong khi đó thì châu Âu với Anh Đức và Pháp, ba
nước sản sinh ra nhiều bác học và Nobel thì lẹt đẹt ở hạng trung bình.
Chuyên gia của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OCDE) giải thích
rằng học sinh châu Á được « đòi hỏi cố gắng » nhiều hơn ở châu Âu. Cha mẹ, thầy
cô cũng theo sát và có cùng mục tiêu.
Vấn đề đặt ra là liệu các trẻ em 15 tuổi phải học ngày học đêm có
tốt cho các em hay không ? Hiện tượng « học thêm » mà tệ hơn nữa là hiện tượng
« thi đua thành tích » này tại một số nước châu Á sẽ gây hệ quả ra sao trên đại
học và khi vào đời ? Tại sao chính sách giáo dục tại châu Âu không ép học sinh
« dồi mài kinh sử » theo kiểu Á Châu mà lại giảm nhẹ chương trình ? Học như thế
nào thì có lợi cho học sinh và cho xã hội ?
RFI đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Nguyễn Dư, nguyên giáo sư
trường kỹ sư Ecole Centrale, Lyon, Pháp. Trong phần phân tích, Giáo sư Nguyễn Dư
đặc biệt lưu ý học vấn để tạo ra con người toàn diện, là chạy việt dã Marathon
: « Đứng nhất trong 10
km đầu rồi lê lếch 30 cây số sau thì để làm gì ? ». Ông nêu tấm
gương giáo dục phục vụ nhu cầu đất nước, không chuộng hư danh của Thụy Sĩ và
tấm gương Tunisia đào tạo những thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp mà sự tuyệt vọng
đã biến thành ngọn lửa châm ngòi Cách Mạng Hoa Lài.
Giáo sư Nguyễn Dư : « Các nước Á Châu, đúng hơn là một số nơi, vì
Thượng Hải, Hồng Kông chỉ là một tỉnh, cùng với Đại hàn, Nhật Bản, Singapore,
tụ vào những chổ gọi là kinh tế khá giả (như ở tây phương). Việt Nam chỉ là
ngoại lệ. Người ta đặt câu hỏi là tại sao trên đại học, sinh viên bên châu Âu
và bên Mỹ học khá mà học sinh ở tuổi 15 thì học không bằng châu Á.
Không phải học sinh Á châu thông minh hơn. Ai cũng thấy học sinh Á
châu bỏ thời gian ít nhất là gấp đôi học sinh châu Âu và Mỹ do nạn « học thêm
». Mới đây, một phóng sự trên đài truyền hình Pháp về học sinh Đại Hàn làm tôi
toát mồ hôi : một em học sinh Đại Hàn 15 tuổi phải thức dậy từ 6 giờ sáng chuẩn
bị đi học, sau nhà trường phải học thêm…đến 10 giờ tối… có đứa đến 11 giờ đêm
mới về nhà …
Bên châu Âu, bên Pháp, người ta phản đối lối học như vậy vì đào tạo
học trò là đào tạo về nhiều mặt, thành một con người và phải sữa soạn cho nó
tiến lên đại học. Cụ thể, mình nhìn lại Việt Nam , tại sao sinh viên lên đại
học nói là đuối sức trong khi đó bên Mỹ và châu Âu cái năng khiếu của sinh viên
bắt đầu nổi trội lên …
Bộ Giáo dục Pháp cấm thầy cô không được cho bài về nhà làm nhiều quá
không để cho đứa bé tối ngày lo bài vở mà quên đi những chuyện khác bên cạnh.
Học sinh Âu Mỹ ngoài chuyện học ra chúng nó còn tham gia vào sinh hoạt xã hội,
thể dục thể thao, văn hóa, mỹ thuật…. khi lên đại học thì chúng nó có nhiều
hướng đi trong khi đó thì ở Việt Nam hoàn toàn bế tắc …
Việt Nam là trường hợp đặc biệt, nạn học thêm cũng như bên Đại Hàn
nhưng do một lý do khác : học thêm trở thành bắt buộc chứ không phải vì nhu
cầu. Chính nhà nước Việt Nam cũng công nhận trả lương thầy cô giáo không đủ
sống nên thầy cô không giảng dạy đến nơi đến chốn, để bắt học sinh học thêm cho
nên kết quả Việt Nam trong bảng xếp hạng Pisa cũng khá nhưng tạo ra bất công
trong xã hội, bất công giàu nghèo.
Còn tại Trung Quốc, Thượng Hải là tỉnh giàu, lẽ ra nên điều tra
thêm các tỉnh khác để xem trình độ học sinh cả nước ra sao…
Trả lời câu hỏi nên chuẩn bị cho học sinh thế nào là tốt nhất nếu tính
đường dài, giáo sư Nguyễn Dư nêu hai tấm gương để suy ngẫm : Thụy Sĩ và
Tunisia.
Giáo sư Nguyễn Dư : « Thụy Sĩ, một nước có nạn thất nghiệp thấp nhất thế giới nhờ giáo
dục đi sát với nhu cầu kỹ nghệ, chính sách giáo dục xem học sinh đi thực tập,
học nghề có giá trị vẻ vang như là sinh viên đại học. Pháp cũng đang lúng túng
vì tại Pháp, người ta quan nịêm rằng học trò có vấn đề mới đi học nghề. Việt
Nam cũng vậy, cha mẹ muốn cho con lên đại học, lấy bằng thạc sĩ , tiến sĩ rồi thất
nghiệp cũng được.
Trường hợp cách mạng Tunisia, đầu mối là một anh có bằng cấp đại học
thất nghiệp. Là nước nghèo mà Tunisia dưới thời Ben Ali vẫn đào tạo rất đông
sinh viên có bằng cấp thất nghiệp. Một anh sinh viên (Mohamed Bouazizi) có
nhiều bằng cấp lắm nhưng cái học của anh không đi sát với đòi hỏi của kỹ nghệ.
Trong khủng hoảng, anh phải đi bán hàng rong, rồi bị cảnh sát phạt, xua đuổi.
Do phẫn uất anh tự thiêu ở ngoài đường. Chính ngọn lửa tự thiêu đó
đã dẫn đến cuộc cách mạng và nhân dân Tunisia đã lật đổ ông Ben Ali. Đó là hậu
quả của một nền giáo dục không thực tiễn. Đi học chỉ để lấy bằng cấp dẫn đến
những hậu quả khó lường.Các nước nghèo như Việt Nam cần phải để ý điều đó. Việt
Nam có nhiều tiến sĩ quá rồi đó nhưng có làm được việc hay không ? Đó là vấn đề
mấu chốt của xã hội ».
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.