'Giảm
sở hữu nhà nước để cứu kinh tế'
Cập nhật: 12:38 GMT - thứ năm, 24 tháng 10, 2013
Ông Alfred Chan nói vốn ngoại sẽ giúp giải quyết nhanh chóng các
vấn đề tại khu vực ngân hàng của Việt Nam
Giám đốc tài chính của Fitch Ratings nói Việt Nam cần xem xét giảm
sở hữu nhà nước tại các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp để tạo lối ra
cho nền kinh tế.
Trong buổi phỏng vấn với BBC, ông Alfred Chan cũng nhấn mạnh về
tầm quan trọng của một cuộc cải cách toàn diện trên nhiều mảng của nền kinh tế
để giữ vững thành quả của nỗ lực tái cấu trúc hiện nay.
BBC: Một trong những báo cáo gần đây nhất của Fitch Ratings cho rằng
Công ty quản lý tài sản của Việt Nam (VAMC) có thể sẽ không tái cấp vốn một
cách hiệu quả và kịp thời để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khu vực
sản xuất. Ông có thể giải thích thêm về điều này?
Alfred Chan: Toàn hệ thống đang đối
mặt với khó khăn lớn về tài sản, nhiều ngân hàng đang gánh tỷ lệ nợ xấu rất cao
và chúng tôi cho rằng tỷ lệ nợ xấu thực sự cao hơn rất nhiều so với con số mà
các báo cáo được đưa ra.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc vốn hiện có trong các ngân hàng thực tế là
thấp hơn rất nhiều so với báo cáo.
Nếu các ngân hàng muốn chấn chỉnh bảng cân đối kế toán, họ cần
phải được tiếp cận nguồn vốn mới để có thể đối phó được với tỷ lệ nợ xấu thực
sự.
Việc các ngân hàng được tiếp cận nguồn vốn mới cũng là một yếu tố
quan trọng nhằm kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế.
Như vậy, một mặt, hệ thống ngân hàng đối mặt với rủi ro từ bảng
cân đối kế toán, mặt khác, vẫn cần có vốn mới để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Mở đường cho vốn ngoại
"Cần có một tiến trình cải cách toàn diện, không chỉ với khu vực
ngân hàng, mà còn ở những mảng khác của nền kinh tế để có thể đảm bảo tất cả
những thành quả từ tái cấu trúc được giữ vững về dài hạn. "
BBC: Ông có nghĩ là việc tăng sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại các
ngân hàng thương mại trong nước là một biện pháp hữu ích lúc này hay không?
Điều này có thể mang lại những lợi ích gì?
Alfred Chan: Một trong những ích lợi khi làm việc với nhà đầu tư nước ngoài,
đó là được tiếp cận những tầm nhìn mới.
Việc được tiếp cận vốn mới cũng sẽ rất hữu ích trong thời điểm
này, khi mà cả hệ thống ngân hàng đang rất thiếu vốn.
Nếu những nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào hội đồng quản
trị, họ có thể chuyển tải những kinh nghiệm có được từ thị trường quốc tế vào
Việt Nam.
Chất lượng điều hành cũng sẽ được cải thiện, vì giờ đây một ngân hàng phải chịu sự quản lý
từ nhiều phía, từ đó sẽ giúp củng cố chất lượng của công tác quản lý rủi ro,
hoạch định chiến lược cũng như kiểm soát bảng cân đối kế toán.
BBC: Ngân hàng Nhà nước gần đây đã đề cập tới việc nâng tỷ lệ sở hữu
cho nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại lên 49%. Tỷ lệ sở hữu
49-51 này có ý nghĩa như thế nào đối với vai trò quyết định của các bên tại hội
đồng quản trị? Ông có nghĩ tỷ lệ sở hữu 49% này là đủ hấp dẫn trong mắt nhà đầu
tư nước ngoài trong thời điểm hệ thống đối mặt với nhiều vấn đề như hiện nay
hay không?
Alfred Chan: Tôi nghĩ đây là một bước đi đúng hướng, ít ra là khi xét mức giới
hạn hiện tại.
Hiện nay, một nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 20% cổ
phần tại một ngân hàng Việt Nam và tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa cho tất cả các
nhà đầu tư nước ngoài ở một ngân hàng thương mại là 30%. Thế nên việc nâng tỷ
lệ sở hữu là một thay đổi đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu 49%, có vẻ như các nhà đầu tư nước
ngoài sẽ không có được quyền kiểm soát đa số trong trường hợp muốn thay đổi
chiến lược của ngân hàng.
Mặc dù vậy, xét sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam, tôi nghĩ rằng
một số nhà đầu tư sẽ chấp nhận việc thiếu quyền kiểm soát. Ngay cả với tỷ lệ sở
hữu hiện nay, một số ngân hàng Nhật Bản vẫn đã trở thành một trong những nhà
đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Từ đó có thể thấy việc nâng tỷ lệ sở hữu có khả năng sẽ làm tăng
số lượng nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào hệ thống ngân hàng tại đây.
Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài là yếu tố có thể cứu vãn
khu vực ngân hàng của Việt Nam?
Giảm sở hữu nhà nước
BBC: Nhân nói đến tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam, ông cho là
những đặc tính cơ bản nào khiến Việt Nam vẫn có thể cuốn hút nhà đầu tư nước
ngoài về dài hạn?
Alfred Chan: Nhiều công ty muốn đến Việt Nam thứ nhất là vì lợi thế về chi phí. Việt Nam cũng đang hưởng nhiều lợi thế từ lực lượng lao động trẻ đông đảo.
Tuy nhiên nhiều công ty cũng đang gặp trở ngại trong các hoạt động
tại Viêt Nam.
Về dài hạn, nếu họ có thể cải thiện những hạn chế về cơ sở hạ
tầng, hệ thống ngân hàng và hệ thống luật pháp, những thế mạnh của Việt Nam sẽ
có thể được chuyển hóa thành tiến trình phát triển bền vững hơn trong tương
lai.
BBC: Trong tương lai dài, ông có nghĩ là nhà nước Việt Nam nên chấp
nhận mất sở hữu tại các ngân hàng thương mại để tạo lối ra cho nền kinh tế hay
không? Và điều này sẽ mang theo những rủi ro gì?
Alfred Chan: Tôi nghĩ đó là điều mà nhà cầm quyền nên xem xét về dài hạn đối
với các ngân hàng lớn mà họ đang nắm quyền kiểm soát đa số.
Điều này không chỉ áp dụng đối khu vực ngân hàng mà còn đối với
cả các doanh nghiệp nhà nước.
Tất nhiên chúng ta cũng cần phải xét về chiến lược của chính phủ.
Sẽ có những khu vực nhạy cảm mà chính phủ cảm thấy họ muốn duy trì sự kiểm soát
đa số.
Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực mà họ cảm thấy có thể được hưởng
lợi từ những tầm nhìn, kinh nghiệm từ bên ngoài thì nên xem xét theo từng
trường hợp.
Cải cách toàn diện
"Tiến trình tái cơ cấu hệ thống đang diễn ra theo đúng hướng, tuy
nhiên lại diễn ra một cách khá chậm."
BBC: Ông dự đoán thế nào về diễn biến tại khu vực ngân hàng của Việt
Nam trong thời gian tới, và điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng nền kinh tế Việt Nam
như thế nào?
Alfred Chan: Tôi nghĩ là những vấn đề hiện nay đối với khu vực ngân hàng của
Việt Nam vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Tiến trình tái cơ cấu hệ thống đang theo đúng hướng, tuy nhiên lại
diễn ra một cách khá chậm.
Ngay cả bây giờ, những chính sách tái cơ cấu vẫn đang đình trệ
tại một số ngân hàng thương mại và vì vậy, tôi cho rằng phải vài năm nữa chúng
ta mới thấy một sự phục hồi đáng kế trong toàn hệ thống.
Một yếu tố nữa đó là việc nhà nước sẽ tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần
cho các nhà đầu tư nước ngoài nhanh đến mức nào.
Nếu họ có thể tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước
ngoài nhanh hơn thì sẽ có thể thu hút vốn ngoại nhanh hơn.
Điều này sẽ giúp cho các ngân hàng trong nước có được vốn mới để
giải quyết các vấn đề hiện tại và hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế.
BBC: Như vậy ông cho rằng việc tăng sở hữu cổ phần tại ngân hàng thương
mại cho các nhà đầu tư nước ngoà là vấn đề mấu chốt cho nền kinh tế?
Alfred Chan: Tôi nghĩ cần phải có nỗ lực từ nhiều mảng. Khu vực ngân hàng chỉ
là một trong những vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Một vấn đề
khác, đó là khu vực danh nghiệp nhà nước.
Lúc này đây, khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng đang cần được tái
cơ cấu nhanh chóng.
Nếu như khu vực ngân hàng có thể phục hồi, nhưng một phần lớn
nền kinh tế bị lũng đoạn bởi các doanh nghiệp nhà nước không tái cơ cấu theo kế
hoạch thì những vấn đề hiện nay vẫn sẽ quay lại.
Thế nên cần có một tiến trình cải cách toàn diện, không chỉ với
khu vực ngân hàng, mà còn ở những mảng khác của nền kinh tế để có thể đảm bảo
tất cả những thành quả từ tái cấu trúc được giữ vững về dài hạn.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.