Đi
hết cuộc đời chẳng biết dại, khôn
Đam
mê ca nhạc thì nhiều người, nhưng chẳng ai phải trả giá đắt như ông Lộc Vàng.
Vì nó mà ông đã đi tù 14 năm, vợ ông đang từ diễn viên phải ra vỉa hè bán đậu
phụ. Những ngày hết tiền, vợ ở nhà bệnh nặng chờ chết, ông ngậm ngùi đi hát
giữa đêm khuya. Ở tuổi già đáng lẽ tận hưởng cuộc sống an nhàn, ông lại bán cả
nhà cửa, mở quán lá café âm nhạc để thỏa cái kiếp đam mê của mình.
Nghệ sĩ Lộc Vàng :
Đi hết cuộc đời chẳng biết dại, khôn
Triệu Vương
Người đàn ông đứng trên
sân khấu nhỏ giữa cả trăm con mắt kia không có dáng vẻ một ông lão sắp cái tuổi
70. Đôi mắt rưng rưng hoài niệm, ông cất giọng trầm ấm “ Dù cho mưa, tôi xin
đưa em đến cuối cuộc đời...”.
Phía dưới những hàng ghế
nhỏ, khán giả của ông phần lớn tóc đã ngả mầu, họ vỗ tay liên tục, ánh mắt hướng
về ông có phần âu yếm, ngưỡng mộ. Người đàn ông đó chẳng ai khác là chú Lộc,
người đời đặt cho cái danh “Lộc Vàng”, chủ nhân quán cafe cùng tên nằm trên
đường Ven Hồ.
Dù vào tù vẫn không hết
đam mê
Người ta kinh doanh thì
lời, nếu có lỗ cũng chỉ bỏ cuộc. Còn ông, bán sạch nhà cửa, đất cát để ... bù lỗ.
Ông có thấy mình dại không ?
Nếu nói dại, khôn thì đi hết cuộc đời con
người ta mới biết mình dại hay khôn. Tôi đam mê những bản nhạc của ông Đoàn
Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng…, (những
bản nhạc ngày trước bị gọi là nhạc vàng còn bây giờ thì họ gọi là nhạc tiền
chiến), đến mức bị đi tù ở cái tuổi trai trẻ. Cớ gì bây giờ chỉ vì ít tiền,
mình dừng cái đam mê yêu nhạc của mình.
Con cái ông không giận
ông sao ?
Không có chuyện con cái tôi buồn rầu vì bố
đâu. Hai con tôi đều học âm nhạc, đứa con trai chơi guitar, tối thứ năm nào
cũng lên quán đệm đàn cho bố hát. Cháu cũng trong đội chơi guitar có tiếng tốt
ở Hà Nội. Con trai tôi đã kết hôn, ở nhà bên ngoại, vì bên đó cũng neo người.
Còn con gái tôi thì đang học đàn tam thập lục ở Nhạc Viện, cháu sống ở quán với
tôi.
Con tôi chẳng có gì phải hận tôi. Từ xưa
đến giờ, từ lúc kết hôn với mẹ chúng nó, rồi hai đứa ra đời, kinh tế gia đình
một mình tôi chèo chống.
Đi tù vì mê nhạc, ông
không sợ âm nhạc hay sao mà vẫn để con mình “dấn thân” vào môn nghệ thuật ấy ?
Thời chúng tôi, cứ ngồi vào đàn hát dễ bị
mắng là lũ “xướng ca vô loài”, còn thời bây giờ, thấy bọn trẻ ngồi đàn hát,
hiểu biết nghệ thuật thì bố mẹ mừng phát khóc vì chúng ngoan, chúng không tụ
tập chơi game, chích hút, cờ bạc. Tôi hạnh phúc khi thấy các con mình học tập
và say mê âm nhạc, khi con người ta còn yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp thì còn
lương tri.
Còn cái thời của tôi nó khác. Khi ấy là
những năm 1960, chúng tôi gồm ba anh em là anh Thành, anh Toán và tôi mỗi lần
tụ tập đàn, hát là phải đóng cửa kín mít cửa, sợ hàng xóm nghe được. Ba anh em
góp tiền mua trà ấm, “bó củi” (10 điếu thuốc lá cuộn theo bó), ngồi hát
say sưa đến sáng mới thôi.
Năm 1968, ba anh em chúng tôi bị bắt (cười),
Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên bố tội danh là : “Tuyên truyền văn hóa trụy lạc
của chủ nghĩa đế quốc phá hoại nền văn hóa của chủ nghĩa xã hội”. Anh Toán xử
15 năm tù cộng 5 năm mất quyền công dân, tôi 10 năm tù cộng 4 năm mất quyền
công dân, anh Thành thì 5 năm tù và 3 năm mất quyền công dân.
Khi ra tù, anh Thành mắc một chứng bệnh sợ
đàn, sợ nghe nhạc, anh ấy cứ nhìn thấy đàn guitar là anh sợ bủn rủn, không dám
động vào vì sợ đi tù lần nữa. Còn anh Toán thì bị mất nhà cửa, cứ lang thang
đầu đường, xó chợ. Tôi nói anh ấy về ăn cơm với mình và dậy thằng Linh, con
trai tôi học đàn.
Khi ấy, gia đình tôi vẫn rất nghèo, thậm
chí có những hôm buổi trưa giờ đi ngủ, nhà chỉ có 9m2, hai vợ chồng ngồi ngoài
hiên quạt nan để ở trong nhà anh Toán và thằng Linh ngủ.
Vợ ông không ngại ngần
cái sự “xướng ca vô loài” từng mang đến bất hạnh cho người thân sao ?
Có thời gian sau này tôi đi hát cho chương
trình Ca khúc Trữ tình, do Khắc Huề làm chỉ đạo. Mọi người biết, đến mời tôi
hát ở chỗ Ủy ban Nhân dân Mặt trận Tổ quốc (đường Tràng Thi). Tôi đi hát, Mai
bế thằng Linh đi theo. Mấy ông bạn của tôi đùa : “Cái con này, mày ở nhà
nghe thằng Lộc hát mãi rồi không biết chán à ?” Mai bảo : “Không
anh ơi! Em đi theo nhà em không phải để nghe nhà em hát đâu, mà chẳng may nhà
em có bị bắt một lần nữa thì em còn biết đường để tiếp tế.”
Ông đã may mắn gặp người
phụ nữ ấy như thế nào ?
Mai là bạn thân của em anh Thành, người
chơi guitar trong nhóm nhạc chúng tôi trước đây. Cô ấy thường đến nhà anh Thành
chơi, ngồi nghe chúng tôi hát. Tình cảm của chúng tôi chớm nở từ năm 1965, biết
tin tôi đi tù Mai vẫn yêu, vẫn chờ đợi tôi 12 năm trời.
Gia đình nhà vợ không
phản đối một người con rể đi tù như ông sao ?
Thời gian đó, gia đình nhà Mai không có ý
kiến gì, nhưng phía Đoàn Tuồng Bắc Trung Ương nơi Mai đang công tác có cấm
đoán. Trưởng đoàn gọi Mai lên giáo dục : “Em là con người lí lịch tốt mà em
yêu cái thằng đi tù vậy à ?” Mai đứng dậy nói thẳng : “Tôi nói anh biết,
anh không biết gì về anh Lộc thì anh không có quyền nói động gì đến anh Lộc”.
Tức quá, Mai bỏ đoàn luôn, về nhà bán đậu phụ ngoài vỉa hè. Còn tôi được ra tù
sớm hơn án ban đầu 2 năm, tôi trốn đi làm bánh mì trong miền Nam, rồi làm hàng
bao nhiêu nghề để kiếm sống, vì khi đó tôi vẫn còn mất quyền công dân 4 năm.
Trước khi bị bắt, tôi làm lái xe cho hợp
tác xã (HTX), sau khi ra tù, bôn ba chán rồi về làm nghề quét vôi gia truyền
của gia đình. Bố đẻ tôi là ông cai thầu vôi số 1 ở Hà Nội. Bố tôi dậy nghề này
cho tôi từ thuở trẻ trâu, cho đến giờ nó vẫn là nghề chính, nghề mưu sinh. Còn
cái chức danh nghệ sĩ Lộc Vàng, hay tài tử Lộc Vàng cũng chỉ là danh hư mà
chính khán giả thương mến đặt cho mình thôi.
Cuộc đời tôi mất mát quá
nhiều
Cuộc sống hôn nhân của
ông sau đó thế nào ?
Vất vả lắm ! Chị cứ thử nghĩ xem, một diễn
viên triển vọng của Đoàn, người nhà nước, có lương phiếu nhà nước thì bỏ về đi
bán đậu phụ ngoài vỉa hè, sau đó kết hôn với một người quét vôi.
Chúng tôi cưới năm 1981, tiền
nong làm gì có, tất cả đi vay khắp nơi để gây dựng cuộc sống mới. Nhà
Mai chỉ có mình cô ấy và bà cụ đã già yếu, sống trong căn buồng 9 m2 ở trong
cùng số nhà 128 Bùi Thị Xuân, nằm ngay trên nóc nhà vệ sinh, tôi
về ở rể tiện bề chăm sóc mẹ già. Từ đó trở đi, tôi cứ đi làm nghề vôi cho HTX,
còn hai mẹ con Mai buổi sáng sớm đi làm giá rau ngoài chợ Hôm.
Năm 1982 vợ chồng chúng tôi sinh cậu con
trai lớn, thằng bé được 9 tuổi thì tai vạ ập xuống. Hàng xóm sát vách có một
thằng con rể hay cờ bạc, cô con gái có ít tiền đi Tây về, mang về gửi bố mẹ giữ
hộ. Hai vợ chồng đánh nhau, cô kia sợ quá chạy xộc vào buồng nhà tôi nấp thì bị
chồng đuổi theo chém chết. Mẹ vợ tôi hoảng hốt kêu người cứu thì anh ta quát im
mồm, sau đó chém gẫy đùi để cảnh cáo, con giai tôi sợ quá chạy ra ngoài hành
lang, anh ta lao theo chém ngang lưng, khâu 31 mũi, may mà không vào xương
sống.
Sau tai nạn ấy, gia đình tôi vay không
biết bao nhiêu tiền. Nhiều người hay tin, thương cảm cho hộp sữa, cân đường, ít
tiền. Còn gia đình hàng xóm gây vạ cho gia đình tôi thì cứ coi như không, cố ý
lẩn tránh không đền bù thiệt hại. Sau lần ấy, tôi rất sợ những cái vạ trên trời
rơi xuống.
Năm 45 tuổi, Mai sinh thêm đứa con thứ
hai. Vợ tôi nằm trên bàn đẻ, mất máu rất nhiều do băng huyết (mắt đỏ hoe, im
lặng hồi lâu). Ba năm sau, cô ấy lại bị trận cảm lạnh, đưa vào bệnh viện lao họ
tiêm thuốc kháng sinh quá liều, nên bị chuyển sang bệnh gan. Từ lúc Mai sinh
con bé thứ hai đến lúc cô ấy qua đời là 10 năm, nhưng mỗi tháng ít nhất cũng
mất 5 triệu tiền thuốc, tháng nào nhiều phải đến 20 triệu.
Ông đã cáng đáng vợ ốm
đau triền miên, con cái thì nheo nhóc bằng cách nào ?
Khi ấy tôi là chủ thầu sơn vôi rồi, cũng
kiếm được tiền. Nhưng vợ bệnh như vậy thì chẳng khác nào “tiền vào nhà khó như
gió vào nhà trống”. Tôi sống trong cảnh vay nợ khắp nơi, nói cho đúng là lừa
bạn bè để có tiền mua thuốc cho vợ. Mình sang nhà bạn, nói là “đang có công
trình làm dở chưa quyết toán, vay tiền trả lương cho anh em, vài bữa nữa gửi
lại họ,” chứ mình nói vay tiền mua thuốc cho vợ ai dám cho vay. Gần đến hạn trả
nợ của người này, tôi lại đi vay của người khác để trả. Cứ nợ quanh quanh, khốn
nỗi đi làm ăn ai người ta cũng biết mình là con người rất đàng hoàng nên hỏi
vay ai người ta cũng cho vay.
Bệnh tình của vợ ông có
thuyên giảm ít nhiều không ?
Bị xơ gan cổ chướng, tây y cũng chữa mãi
rồi. “Có bệnh thì vái tứ phương” người ta chỉ mình đi đâu cũng đi, Lào Cai, Yên
Bái… rồi thậm chí ngươi ta còn mách lấy cây hoa cứt lợn mọc trên nấm mồ về sắc thuốc.
Thế là tôi cứ đi khắp các bãi tha ma, cứ nhìn thấy cây hoa cứt lợn nào thì lạy,
ít tuổi hơn thì lạy bằng cháu, nhiều tuổi hơn thì lạy ông bà, mang về hàng bao
tải chữa bệnh cho vợ. Thấy trên báo chí người ta bảo lấy cây dứa dại chữa bệnh,
tôi mua hàng xe dứa dại sắc thuốc cho vợ uống.
Năm 2000, khu đất ngôi nhà cũ 9m2 được mua lại,
cả xóm hơn bán được hơn 600 cây vàng, nhà tôi nhỏ nhất nên được nhận 60 cây.
Gia đình trả nợ hết 30 cây, 30 cây còn lại mua mảnh đất ở Kim Mã, rồi tôi lại
tiếp tục vay tiền xây được ngôi nhà 3 tầng. Ở nhà mới được một năm rưỡi thì vợ
tôi mất.
Trước đây tôi hay đi hát quán café nhưng
sau này vợ ốm nằm một chỗ thì không hát nữa. Ngày sinh nhật ông Đoàn Chuẩn cái
năm 2002, quán café lại nhờ tôi hát giúp 2 bài, tiền catse họ trả là 200 ngàn
đồng. Lúc đó tôi nghĩ, bây giờ vợ ốm đau nằm đó, chẳng biết cô ấy sẽ đi lúc nào
mà tiền bạc trong nhà thì không có. Nhưng mình đi hát, ai trông được cô ấy buổi
tối đây ? Vì mẹ già gẫy chân vẫn ngồi một chỗ, thằng Linh con trai biết vệ sinh
cho mẹ thế nào, cô con gái thì còn quá nhỏ. Tôi đành cho cô ấy uống thuốc ngủ,
dặn con trông mẹ, mẹ tỉnh phải gọi điện thoại cho bố ngay.
Thế là tôi vội vàng thuê xe ôm mất 6 nghìn
đồng đến quá café để hát, (giọng run run), mình lên hát, mồm thì hát nhưng mắt
cứ nhìn vào cái điện thoại, hát xong tôi nói với chủ quán “Thôi mày đưa tiền
cho, anh đi về”. Mấy ngày sau thì cô ấy ra đi.
Đời tôi có ăn quả đắng
thì tôi vẫn muốn con mình được hưởng những vị mát ngọt
Cuộc sống vất vả như vậy sao ông vẫn muốn mở quán nhạc, để rồi
phải bán nhà bán cửa ?
Năm 1991, tôi và một người bạn từng thuê
một cái nhà trên đường Hoàng Hoa Thám để mở quán café nhạc. Sửa quán xá xong
hết thì không xin được giấy phép, vì lý lịch của tôi vẫn còn vết đi tù, họ
ngại. Đến năm 1997, biết mình khó rồi nên tôi lại kết hợp với một người bạn,
nhờ anh ấy xin giấy phép kinh doanh nhưng cũng không được. Tôi mất trắng 30
triệu đầu tư làm nội thất cho quán lần nữa. Cho đến lần thứ 3 này tôi mới thực
hiện được mong muốn mở một quán café âm nhạc, được đứng trên sân khấu thường
thường xuyên, được hát cho mọi người nghe những bài mà trước đây mình từng yêu
mến.
Nhưng tôi thấy, để có
được những đêm hát giữa mọi người như vậy, ông đã trả cái giá quá đắt. Cái giá mà
một người khôn ngoan, thức thời sẽ không bao giờ hành động như vậy?
Từ nhỏ, tôi ảnh hưởng niềm say mê âm nhạc
từ bố mình. Bố tôi trước đây không học hành qua bất kỳ trường lớp âm nhạc nào,
nhưng ông hát cải lương, tuồng, chèo… rất tốt. Ông từng là thầy dậy hát cho ông
Lê Chiêm, người hát chính của rạp hát Kim Phụng (rạp có trước năm 1954).
Tôi đã mất cả tuổi trẻ của mình để được
hát những ca khúc đấy! Nó như ăn sâu vào máu thịt con người tôi rồi. Những bài
hát ngày xưa tôi hát thì giờ đã được phổ cập, được gọi là những ca khúc thuộc dòng
nhạc chính thống. Bản thân các nhạc sĩ ấy đều đã được vinh danh. Chỉ còn lại 3
chúng tôi… (nghẹn ngào). Cuộc đời của mình mất mát quá nhiều !
Ông không nên đặt lên
vai con mình những điều nặng nề ấy ?
Người ta nói “có bị đánh mới biết đòn
đau”, nhưng không vì thế mà tôi nói những suy nghĩ của mình cho đám trẻ. Đời
tôi có ăn quả đắng thì tôi vẫn muốn con mình được hưởng những vị mát ngọt,
không lẽ tôi phải đặt lên vai chúng sự nặng nề của quá khứ? Tôi luôn để các con
mình được sống và lớn lên bình thường trong thời cuộc của chúng.
Triệu Vương
Ông Lộc Vàng tên thật là
Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1945, tại Hà Nội. Ông là con thứ 3 trong gia đình có 5
anh em, cha làm cai thầu vôi. Tuổi trẻ, ông thường tụ tập đàn hát với nhóm bạn
bè các nhạc phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Ngô Thụy Miên, Công Phụng… Ngày
27-3-1968 ông Lộc bị bắt vì tội “tuyên truyền văn hóa trụy lạc” với mức án 10
năm tù và 4 năm mất quyền công dân. Ông được ra tù sớm hơn 2 năm (ngày
26-3-1976).
Mười năm sau ngày ông
Lộc ra tù, tháng 12 năm 1986, Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết số 5 về tự do
sáng tạo, do tướng Trần Độ thuộc Ban Văn hóa soạn. Kết quả là những tác phẩm
của một số văn nghệ sĩ trước kia bị cấm như Nhất Linh và Khái Hưng được tái
bản. Sang năm 1987, năm nhân vật trong phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm cũng được
phục hồi danh dự, trong số đó có nhạc sĩ Văn Cao (được truy tặng Giải thưởng Hồ
Chí Minh năm 1996). Cũng từ đây, Việt Nam bắt đầu phổ cập các ca khúc trước năm
1954 từng bị cấm của các nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn- Từ Linh; Doãn Mẫn; Đặng
Thế Phong; Nguyễn Văn Khánh; Nguyễn Văn Thương...
Năm 1991 và 1997, ông
Lộc xin giấy phép mở quán café âm nhạc nhưng bị từ chối vì lý lịch.
Năm 2007, cuối cùng ông
Lộc Vàng cũng được cấp phép mở một quán lá café ca nhạc ở đường Ven Hồ. Tối thứ
2, 5, 7 hàng tuần, những người yêu dòng nhạc Tiền Chiến lại có mặt ở đây để
nghe những kỷ niệm của mình sống dậy.
NGUỒN : Một phiên bản của bài này đã được đăng lần đầu
trên tạp chí Mốt & Cuộc Sống cách đây một thời gian (11.2011).
Bản này là toàn văn nguyên tác, do tác giả gửi cho Diễn Đàn.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.