“Thế là xong, miễn bàn!”
không có nghĩa là bó tay
Tô Văn Trường
GS Nguyễn Văn Lung thân mến,
Chúng ta cùng là thành viên trong Hội đồng Thẩm
định Nhà nước về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án thủy điện
Đồng Nai 6-6A và Dự án cảng Lạch Huyện nên hiểu rõ nội tình rất phức tạp.
Dự án thủy điện Đồng Nai 6-6A đã được Chính phủ và Bộ Công thương chính
thức đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện. Ở đây cần rạch ròi, những hạng mục nào là
lỗi do chính quyền gây ra thì phải có chính sách đền bù cho chủ đầu tư.
Cách đây ba năm tôi đã viết mail gửi trực tiếp đến Phó Thủ tướng Hoàng
Trung Hải báo động “Loạn thủy điện” ngay sau đó anh Hải trả lời sẽ
cho rà soát để báo cáo thường trực Chính phủ. Tiếc rằng cơ chế
và sự phối hợp hành động ở nước ta dù có cảnh báo sớm nhưng đều “nước đến
chân mới nhảy”!
Dự án thủy điện Đồng Nai 6-6A đã loại bỏ nhưng trớ trêu là Dự án
cảng Lạch Huyện còn phiêu lưu lãng phí, tốn kém gấp trăm lần, lại tác động lớn
đến môi trường sinh thái, sau nhiều lần đắn đo người ta vẫn khởi công. Dự án
này còn ngổn ngang nhiều bất cập chưa giải đáp, nhưng khó bỏ chỉ vì nguồn vốn
khổng lồ ODA. Đúng như anh nói trong thư: “Trước đây, trong hội đồng ĐTM Dự
án Lạch huyện, các vấn đề chúng ta nêu ra đều không được trả lời:
+ Công trình tách thành nhiều dự án nhỏ để dưới quy mô phải trình
Quốc hội? Nay họ lại bắt đầu phần cầu đường!
+ Tại sao không vét bùn đất lên đảo để dễ giám sát và có thêm diện
tích một quận mới, mà lại đổ ra vịnh?
+ Hệ sinh thái gì? Sẽ bị hủy hoại nơi đổ bùn đất, sao không khảo
sát đánh giá?
+ Chỉ một mình JICA khảo sát, thiết kế, dự toán (không có tư vấn
thứ hai) mà không sợ đội giá sao?
Nay quả nhiên Công ty Sơn Trường chứng minh dự toán cầu đường,
không thể tính chênh lệch bằng %, mà bằng lần”.
Tổng công ty Sơn Trường hiểu rõ hệ thống cảng Hải Phòng như trong lòng
bàn tay, và các “ngóc ngách” đằng sau của Dự án. Nếu im lặng thì Sơn Trường
cũng sẽ có hàng trăm tỷ đồng để tham gia thi công Dự án cảng Lạch Huyện. Anh Tạ
Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Sơn Trường, là người tâm huyết, thẳng thắn xót
xa vì thấy quá lãng phí tiền thuế của dân nên mới một mình phản ứng với Bộ
Giao thông Vận tải như Đông Ky Sốt chiến đấu với cối xay gió!
TS Lê Hoàng Lan cho tôi biết một trường đại học trúng gói thầu
giám sát cảng Lạch Huyện nhưng sau khi xem xét thấy các số liệu tính toán của
JICA sai nhiều quá, nên họ tuyên bố bỏ không thực hiện nữa. Một số vị đại biểu
Quốc hội cũng quan tâm, tìm hiểu về đầu tư khủng cho cảng Lạch Huyện. Nếu
tỉnh táo, vì dân, vì nước, người ta phải dừng để xem xét đánh giá lại, chọn lựa giải
pháp tối ưu cho cảng Lạch Huyện. Nhưng rất tiếc là sự thực lại ngược lại
điều ta mong muốn.
Đất nước đang gặp nhiều khó khăn về mọi mặt trên con đường phát triển;
nguy cơ vỡ trận tài chính; lòng dân ly tán; cho nên vai trò và trách nhiệm của
giới trí thức càng nặng nề. Ngay từ bây giờ cũng phải suy nghĩ làm gì tiếp
khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua. “Thế là xong, miễn bàn!” không có nghĩa
là bó tay.
Tôi rất tâm đắc với bình luận của người bạn: “Có nhiều chuyện không được
bàn. Nhưng không cấm được cái đầu vẫn nghĩ, trái tim vẫn yêu nước và cái bụng
vẫn là của người tử tế. Những gì đã, đang và sẽ đến với dân tộc Việt nam là quy
luật bất biến. Không thể cả vú lấp miệng em. Không thể treo đầu dê, bán thịt
chó.
Kẻ sĩ được có đầu, được nối đầu, vì vậy được nói rồi
Kẻ sĩ được nối chân trái rồi, biết đường về với Tổ Tiên rồi
Trong cái rủi sẽ có cái may
Sắp lại có Điện Biên Phủ. Không phải của Trời, chẳng phải của Địa
Sự thành thật sẽ thay cho giả dối
Sự thành thật sẽ thay cho giả dối
Sự tử tế sẽ thay cho xấu xa
Rửa sạch nỗi thẹn ngàn thu
Dựng nền Thái Bình muôn thuở”;
và một bạn khác: “Và cho dù “thế là xong,
miễn bàn” thì chắc chắn thực tiễn xã hội sẽ nảy sinh tiếp tục nhiều chuyện phải
bàn, chưa thể xong. Cho dù có văn bản chính thức hẳn hoi, như một dấu chấm than
uy quyền! Bởi lẽ, một xã hội phải luôn vận động, điều chỉnh, mới là một xã hội
trẻ, đầy sức sống và phát triển. Một xã hội “trước sau như nhất” là một xã hội
tư duy xơ cứng, bảo thủ, mang trong nó mầm mống của sự già nua, suy yếu, ốm
đau…”
Để relax, xin chuyển tiếp chuyện “Thằng đần” để anh tham khảo nhé.
T.V.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
***
Phụ lục:
Thằng đần ạ, phải biết vẫy khăn như thế chứ!
Tác giả: FB Nguyên Anh
Một quý ông Do Thái lớn tuổi tên là “Kinh Tế Nhà Nước” cưới một cô
vợ trẻ tên là “Thị Trường”, và họ yêu nhau thắm thiết. Tuy nhiên, dù đức ông
chồng nỗ lực cách mấy trên giường, chị vợ cũng không bao giờ đạt cực khoái.
Vì một
người vợ Do Thái có quyền hưởng khoái cảm, nên họ quyết định đến hỏi giáo sĩ.
Nghe đôi vợ chồng trình bày xong, ông giáo sĩ vuốt râu, và đưa ra lời gợi ý sau
đây: “Hãy thuê một thanh niên to khỏe. Khi hai người làm tình, thì nhờ anh ta
vẫy vẫy chiếc khăn tay ở phía trên. Việc đó sẽ giúp cho người vợ trở nên mơ
màng và hẳn sẽ đem lại cực khoái”.
Đôi vợ chồng đi về nhà và làm theo lời khuyên của giáo sĩ. Họ thuê
một anh chàng đẹp mã tên là “Tư Nhân” đứng vẫy chiếc khăn khi họ làm tình. Vô
ích, chị vợ vẫn không thỏa mãn.
Bối rối, họ lại tìm tới ông giáo sĩ. “Thôi được”, giáo sĩ nói với
đức ông chồng, “hãy thử làm ngược lại. Để người thanh niên làm tình với vợ ông,
còn ông thì vẫy khăn phía trên họ”.
Một lần nữa, hai vợ chồng lại làm theo lời khuyên của giáo sĩ. Anh
chàng Tư Nhân lên giường với chị vợ, còn ông chồng đứng vẫy khăn. Chàng trai
vào việc hết sức khí thế, chẳng mấy chốc chị vợ đã cực khoái, la hét rung
chuyển cả căn buồng.
Người chồng mỉm cười nhìn chàng trai, đắc thắng nói: “Thằng đần ạ,
phải biết vẫy khăn như thế chứ!”
Thế là xong, miễn bàn!
Tô Văn Trường
Nhiều
người thúc giục, hỏi tôi, Quốc hội sắp đến hồi bấm nút sửa Hiến pháp và Luật
Đất đai sao anh không viết mạnh như loạt bài hồi thảo luận về dự án đường sắt
cao tốc Bắc Nam? Cách đây khá lâu, sau khi viết bài “Hiến pháp của ai” với 4
câu hỏi còn bỏ ngỏ, tôi tự nhủ coi như mọi việc đã an bài!
Hầu hết các quốc gia trên thế giới có Quốc hội, các ông bà nghị sĩ
đều biết lắng nghe, suy ngẫm hành động theo nguyện vọng chính đáng của cử tri
để tranh thủ lá phiếu. Ở nước ta, trớ trêu là “Đảng cử – Dân bầu” nên phần lớn,
người ta theo Đảng chỉ đạo hơn là lắng nghe, thấu hiểu lòng dân. Tuy nhiên, tại
diễn đàn Quốc hội kỳ này, có một số vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đề cập
đến lòng dân đang bất an, cần đánh giá lòng tin của người dân, sự chia sẻ của
dân với các chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Nhưng nhìn vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai và
phát biểu của nhiều vị “chóp bu” có trách nhiệm thì mấy vấn đề cốt lõi về Đảng,
Quân đội, về doanh nghiệp nhà nước, về quyền sử dụng và quyền sở hữu đất đai
thế là xong. Miễn bàn!
Theo tôi hiểu, quyền sở hữu có tính chất vĩnh viễn nhưng quyền sử dụng
bị hạn chế trong một thời gian nhất định theo hợp đồng giữa bên sở hữu và bên
sử dụng. Giá trị quyền sử dụng tùy theo thời hạn sử dụng. Quyền sử dụng có thể
gây mối bất an trong xã hội. Bỏ qua mọi phức tạp khác đáng lẽ không nên có thì
anh nông dân Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng) rõ ràng bị rơi vào tình trạng bất
an này, bởi vì bên sở hữu có thể lấy lại tài sản sau hợp đồng và về mặt luật
pháp không cần phải gia hạn.
Theo TS Vũ Quang Việt, ngoài quyền sử dụng về mặt hạn chế thời hạn
hợp đồng nói trên, nên hiểu tổng hợp, quyền sử dụng có 3 vấn đề:
1. Vấn đề thời hạn hợp đồng, mà theo luật nhà nước có thể lấy lại,
không phải gia hạn.
2. Vấn đề ai có quyền và quyền gì? Ai được quyền giao, giao cho ai
và ai quyết nội dung hợp đồng. Thật ra 1 và 2 đi với nhau. Đây là các lỗ hổng
lớn cho “rent seeking”.
Tôi thấy thật khó dịch sang tiếng Việt vì “rent” có nghĩa là thu
nhập từ tài sản không do con người làm ra như thu từ cho người khác khai thác
dầu hỏa, đất đai, v.v. mà không phải bỏ công lao động. Tạm dịch “rent seeking”
là chiếm đoạt thặng dư đúng như Marx định nghĩa. Với Marx thì chiếm đoạt thặng
dư từ quyền sở hữu tư bản mà không cần lao động. Còn đây là chiếm đọat thặng dư
vì có quyền. Hay nói rõ hơn là chiếm đoạt thặng dư từ việc lạm dụng quyền lực.
3. Vấn đề trưng thu khi chưa hết hợp đồng về quyền sở hữu.
Nhiều người mới chỉ nhìn vào vấn đề cuối cùng này. GS Nguyễn Lang
thì chỉ để ý đến giá vô lý là nguyên nhân gây ra xáo trộn hiện nay. GS Đặng Hùng
Võ quan tâm đến cả hai yếu tố định giá vô lý hoặc thu hồi bị phản kháng vì lợi
ích cá nhân cho một số người chứ không vì lợi ích chung, v.v.
Điều quan trọng nhất mà ai cũng nhận thấy, chừng nào còn không
công nhận đa sở hữu, còn tránh né việc xóa bỏ chữ “sở hữu toàn dân” thì đất đai
vẫn còn là vấn đề nóng trong xã hội. Nhiều người thất vọng vì mất bao giấy mực
bàn về thay đổi Hiến pháp, tốn kém không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc,
công sức, trí tuệ của nhân dân mà không thấy thay đổi được bất cứ điều gì.
Người bạn đồng tâm, để xả stress, tếu táo bình luận: “Quyền sử dụng đất và quyền
sở hữu, nhiều người đã phân tích, vận dụng kiến thức cả đông tây kim cổ, liên
hệ với thực tế, nói mãi mà người ta vẫn ù lì! Nếu thế, ta nói theo kiểu dân dã,
gọn, dễ hiểu, chuẩn không cần chỉnh như sau: Quyền sử dụng là đi ngủ với bất kể
người đàn bà nào, không phải là vợ! Ngủ nhiều bà khác nhau cũng được như đi bia
ôm vậy! Quyền sở hữu là ngủ với vợ, suốt đời chỉ với vợ chứ không phải người
đàn bà nào khác. Đơn giản vậy mà nói chính trị, triết lý trên trời hoài nghe
mệt quá!”.
Theo tôi nghĩ, quyền sở hữu là thuộc về, không hẳn có nghĩa là mãi
mãi, nên ví dụ “ngủ suốt đời với vợ” không hẳn là đúng, chỉ được ngủ với nàng
đến khi nàng không còn thuộc về mình. Còn quyền sở dụng thì có khác gì đi thuê
mướn, vẫn thuộc sở hữu của người khác, nên người ta mới đẻ ra cái chuyện thu
hồi. Ví quyền sử dụng là “bồ” và quyền sở hữu là “vợ” thì không chuẩn bởi vì
đừng bao giờ coi vợ là thứ mình sở hữu. Ý nghĩa sâu xa của “sở hữu toàn dân”
(thực chất là sở hữu của người cầm quyền) là muốn nắm vận mệnh người được giao
quyền sử dụng (cho sống được sống, bảo chết là phải chết)! Ý nghĩa sâu xa của
quyền sử dụng là người nhận quyền này chấp nhận: Quy phục và chấp nhận thân
phận là người nhận thứ được quyền lực (Vua) ban phát, đồng nghĩa gián tiếp thừa
nhận vị thế người ban phát: Đảng đứng trên tất cả. Hệ quả: Quyền lực duy trì được
mảnh đất dụng võ của mình. Tham nhũng là thứ hệ quả tất yếu.
Chúng tôi nghĩ Quốc hội nên nhìn thẳng vào sự thật, từ những nan
đề của đất nước, phóng tầm mắt xem nhân loại họ đang làm gì để chiếu vào con
người, góc phố, con đường ổ gà của Việt Nam mà hoạch định chính sách, xây dựng
luật pháp. Muốn vậy phải dân chủ trong Quốc hội, từng đại biểu cần chiêm
nghiệm, tự vấn về vai trò và trách nhiệm của mình đối với cử tri cả nước.
Nguy cơ vỡ trận tài chính đã được cảnh báo nhưng trên diễn đàn
Quốc hội và thảo luận ở tổ chưa thấy ai mạnh dạn phân tích “mổ xẻ” về con số cụ
thể chi tiêu cho 4 hệ thống Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức đoàn thể
xã hội. Trong đó chi cho bộ máy “song trùng” của Đảng là rất tốn kém. Rõ ràng
chi tiêu cho bộ máy của Đảng là một con số cần được minh bạch nhằm nâng cao
hiệu quả hoạt động nói chung. Con số đó phải chăng thuộc phạm trù bí mật quốc
gia? Xã hội phải chi một khoản kinh phí khổng lồ và kém hiệu quả để nuôi một bộ
máy “song trùng” khiến kinh tế thì kém cạnh tranh, xã hội thì chẳng khác gì thời
trung cổ khi dân phải è cổ nuôi cả Vua và nhà thờ. Minh bạch các khoản chi này
và Dân phải có quyền giám sát nó chứ không phải chỉ có Đảng chỉ định Quốc hội
làm việc này.
Nhìn lại từ ngày đổi mới, các Ban xung quanh các cấp ủy trở nên
thừa rất nhiều: Các Ban Tài chính, Tuyên huấn, Kinh tế, mỗi ban thừa một nửa, vì
nửa còn lại phía Chính quyền làm rồi. Đáng lý ra là thừa hết đối với Chính
quyền, vì các nước ngoài xã hội chủ nghĩa, có Ban nào đâu mà mà nó vẫn mạnh
không ngừng. Trước 1985 còn có thêm các Ban “trời ơi” khác như Ban Nông nghiệp,
Ban Công nghiệp, Ban Cải tạo… là không cần thiết. Chỉ có cấp ủy nào muốn kiềm
chế Chính quyền mà bản thân thiếu năng lực mới mở rộng các Ban này ra cho đông
và lập thêm các Ban khác để “bù lỗ” cho mình. Hội nghị 7, Trung ương khóa 9
cũng bàn về dân vận y chang như Hội nghị 7 lần này có phần nói về Dân vận. Nói
hoài, mà dân giận càng đông, càng kéo biểu tình, khiếu kiện đòi quyền dân sinh,
dân chủ.
Trong kháng chiến, Đảng chưa cầm quyền, Đảng ví như Chính phủ, làm
nhiều việc như Chính phủ, Tòa án, Công tố, và vì vậy chung quanh các cấp ủy có
đủ các Ban bệ như các Bộ và các Sở, Ty… là đúng, là cần thiết. Khi Đảng cầm
quyền lại cầm trực tiếp, không trao quyền cho Chính phủ, Quốc hội, và Tòa án
nên mới có khái niệm “Thống nhất lãnh đạo” và “Quân đội trung với Đảng”… Biến
các đoàn thể thành các “Ban”, “Bộ” bằng cách ăn lương Chính phủ, làm theo Chính
phủ tức là “ăn theo, nói leo” mà gọi là “liên tịch”… nhược điểm là càng lãnh
đạo, chính quyền Nhà nước càng chồng chéo, yếu về thực chất, nhưng mạnh và oai
về hình thức. Ban Nội chính, Ban Kinh tế vốn làm không nên trò, “không được xã
hội thừa nhận” mới dẹp, nay tái lập mà không có “đầu trò” giỏi thì nên dẹp tiệm
cho rồi, để chi oan ương.
Người dân tự hỏi tại sao lãnh đạo mà chỉ biết đi giáo huấn hỏi lại
“trồng cây gì, nuôi con gì” hay tối ngày sợ Đảng suy thoái mà không biết làm
cái gì cho Đảng theo kịp thời đại, hoặc tối ngày rên rỉ, la hét mị dân. Nhưng
vượt qua mọi lo âu là Đảng phải vượt lên chính mình, vượt khỏi cái bóng của anh
“bạn vàng” bành trướng phương Bắc và những giáo điều của những học thuyết không
còn phù hợp, cản trở con đường phát triển của đất nước, làm cho dân tộc tụt
hậu. Chỉ có qua cuộc lột xác ấy thì tài năng mới phát lộ, tài năng mới làm nên
sự nghiệp và đất nước mới ra khỏi trầm luân!
Sửa Hiến pháp và Luật đất đai, thế là xong, miễn bàn! Chỉ có thể
an ủi những cuộc bàn thảo vừa qua suy cho cùng không phải tất cả chỉ vô tích sự
vì dân gian được động não học hỏi, dân gian nhận diện được năng lực, và
dân gian không thể đặt bất cứ hy vọng nào vào những cái đầu mang nặng ý thức
hệ, bị chi phối bởi lợi ích nhóm và tầm nhìn chỉ loanh quanh nơi “chân ghế” của
mình.
T. V. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.