Nợ
xấu ngân hàng VN 'tiếp tục tăng'
Cập nhật: 10:41 GMT - thứ sáu, 15 tháng 11, 2013
Toàn hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với khối
nợ xấu ngày càng tăng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cho biết tổng nợ xấu của toàn hệ
thống ngân hàng đang tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo được báo điện tử Dân trí dẫn lại trong tin đăng ngày 15/11
cho thấy tổng nợ xấu của toàn hệ thống tính đến cuối tháng Chín năm nay là
142,33 nghìn tỷ đồng.
Con số này cao hơn khoảng 20,2%, tức 23,9 nghìn tỷ đồng, so với
cùng kỳ năm ngoái, báo cáo nhận định.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng nợ xấu bình quân trong
chín tháng đầu năm là 2,2%/tháng, thấp hơn tốc độ bình quân 3,91%/một tháng
trong năm 2012.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc nợ xấu giảm tốc không
phải là một tín hiệu đáng mừng.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 15/11, ông Christian De Guzman, chuyên
gia phân tích tại hãng xếp hạng tín dụng Moody's, nói ông "không tự tin về độ chính xác của những con số
này."
"Cần phải nói là từ
trước đến nay, con số nợ xấu trong toàn hệ thống mà Moody's thống kê luôn cao
hơn con số do các ngân hàng của Việt Nam đưa ra,"ông Guzman nói.
"Nói chung, về cơ bản, việc nợ xấu giảm tốc chỉ có nghĩa là
số nợ xấu trong toàn hệ thống vẫn tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Điều này
không thể tốt nào bằng việc tỷ lệ nợ xấu thực sự giảm."
"Trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng đồng nghĩa với việc
cả hệ thống vẫn đang đối mặt với khó khăn rất lớn."
Nghi ngờ về VAMC
"Trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng đồng nghĩa với việc cả hệ
thống vẫn đang đối mặt với khó khăn rất lớn"
Christian De Guzman, chuyên gia phân tích tại hãng xếp hạng tín
dụng Moody's,
Nhận định về khả năng xử lý nợ xấu của VAMC, ông Guzman cho rằng
"số vốn mà VAMC được cấp là quá nhỏ so với thống kê về nợ xấu [trong hệ
thống ngân hàng của Viêt Nam] mà chúng tôi có trong tay".
"Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch cũng là một vấn đề. Cho đến nay, chúng tôi vẫn không biết được
bảng cân đối tài sản của VAMC thực sự là như thế nào," ông nói thêm.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, ông Alfred Chan, Giám
đốc định chế tài chính của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, cho rằng VAMC
không thực sự giúp hệ thống tiếp cận vốn mới.
"Nếu các ngân hàng muốn chấn chỉnh bảng cân đối kế toán, họ
cần phải được tiếp cận nguồn vốn mới để có thể đối phó được với tỷ lệ nợ xấu
thực sự," ông nói.
"Việc các ngân hàng được tiếp cận nguồn vốn mới cũng là một
yếu tố quan trọng nhằm kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế."
Theo ông Alfren Chan, nhà nước Việt Nam cần nhanh chóng nới lỏng
sở hữu tại các khu vực ngân hàng để tăng cường thu hút vốn từ các nhà đầu tư
nước ngoài.
Ông cho rằng điều này không những giúp toàn hệ thống tiếp cận vốn
mới nhanh chóng, mà còn giúp cải thiện công tác quản lý và mang theo những kinh
nghiệm, tầm nhìn mới vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Hàng nghìn nhân viên mất
việc
Hàng nghìn nhân viên ngân hàng đã bị cho nghỉ việc trong những
tháng qua
Trong một tin liên quan, báo Tuổi trẻ ngày 15/11 cho biết chỉ
trong vài tháng qua, hàng nghìn nhân viên
ngân hàng trong nước đã mất việc do khó khăn mà hệ thống phải đối mặt.
Trong quý ba năm nay, hơn 700 nhân viên của Ngân hàng Á Châu (ACB)
đã mất việc, Tuổi Trẻ cho biết.
Trước đó, trong sáu tháng đầu năm nay, đã có gần 1200 nhân viên từ
các ngân hàng Vietinbank, BIDV, Ngân hàng Á Châu và Ngân hàng Thương mại Cổ
phần Sài Gòn mất việc, tờ này cho biết thêm.
Cũng theo Tuổi Trẻ, Eximbank cũng đã tuyên bố sẽ cắt giảm thêm
hàng nghìn nhân viên.
Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, được Tuổi
Trẻ dẫn lời cho biết hoạt động kinh doanh của ngân hàng này đang gặp nhiều khó
khăn.
“Những năm trước làm ăn được, chúng tôi tuyển dụng nhiều, đặc biệt
là bộ phận gián tiếp. Năm nay kinh doanh khó khăn, bộ máy cũ đã trở nên cồng
kềnh, việc cắt giảm nhân sự là bình thường,” ông Dũng nói.
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.