TRUNG QUỐC - HỘI NGHỊ TW 3 -
Bài đăng : Thứ tư 13 Tháng Mười Một 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư
13 Tháng Mười Một 2013
Trung
Quốc : Tăng cường vai trò thị trường nhưng duy trì quyền lực Đảng
Phía trước Đại lễ đường Nhân dân, Quảng trường Thiên An Môn, Bắc
Kinh, nơi diễn ra Hội nghị TW 3 đảng Cộng sản Trung Quốc
REUTERS
Thụy My RFI
Lộ trình được Hội nghị
Trung ương 3 đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua hôm qua 12/11/2013 hứa hẹn sẽ
để thị trường đóng một vai trò quan trọng hơn, trong khi vẫn cải cách các tập
đoàn quốc doanh thế lực. Tuy nhiên vì không đưa ra chi tiết cụ thể, nên chỉ khi
nào thực hiện thì mới có thể biết được Trung Quốc sẽ thực sự đi về hướng nào.
Điều duy nhất có thể khẳng định là Đảng vẫn giữ vai trò lãnh đạo.
Đại hội tập hợp 373 ủy viên trung ương họp kín trong bốn ngày tại
Bắc Kinh, qua báo chí chính thức đã hứa hẹn có những quyết định « lịch sử ».
Tuy nhiên hội nghị đã kết thúc với một thông báo rất dài, trong đó những biện
pháp cụ thể duy nhất được nêu ra là thành lập một « nhóm lãnh đạo trung tâm » phụ trách giám sát các cải cách mới, và thành
lập một « Hội đồng An ninh Nhà nước ».
Còn lại, trong thông cáo dài 3.500 từ theo bản tiếng Anh không
chính thức, Đảng Cộng sản Trung
Quốc hoàn toàn quay lưng với những thay đổi về chính trị, khi tái khẳng định vai trò lãnh đạo trong tất
cả các lãnh vực.
Trong lãnh vực kinh tế thì thị trường được giao « một vai trò
quyết định ». Tuy nhiên Đảng lại nhanh chóng khẳng định « vai trò chủ
đạo của hệ thống sở hữu Nhà nước », cho dù Đảng phải « cổ vũ cho sức
sống của nền kinh tế và tính sáng tạo của kinh tế ngoài quốc doanh ».
Nhà phân tích Wang Qinwei của Capital Economics ở Luân Đôn nhận
xét : « Dường như có sự thống nhất cao về hướng cải cách, nhưng về mặt thực
hiện thì không có sự đồng thuận ». Theo ông, thông cáo bế mạc có « hơi
hướng của các thỏa hiệp » báo trước những trở ngại cho những thay đổi.
« Mỗi bên đều có phần trong đó » - Kenneth Lieberthal, chuyên gia về Trung Quốc của Brookings
Institution ở Washington bình luận. Còn Jean-Pierre Cabestan, cũng là chuyên
gia về Trung Quốc nhưng thuộc Hongkong Baptist University cho rằng kết quả hội
nghị « Khá mập mờ và khá khiêm tốn ». Ông nhận thấy « một sự hết sức
thận trọng trong bước đi tiếp theo » về cải cách, đồng thời phản ánh « thỏa thuận giữa phe cải cách và phe bảo thủ », đặc biệt là về vấn đề sở hữu Nhà nước.
Nhìn chung, các nhà quan sát nhận định, thành phần của « nhóm lãnh
đạo trung tâm » phụ trách cải cách sẽ cho thấy những dấu hiệu đáng quan tâm về
sự thăng bằng quyền lực trong tân chính phủ Bắc Kinh.
Jean-Pierre Cabestan nhận định : « Họ bị chia rẽ », và theo
ông thì việc thành lập nhóm này « làm giảm đi vai trò của Thủ tướng Lý Khắc
Cường rất nhiều. Ngay cả nếu việc tiến hành cải cách giúp ông Lý trở lại hàng
đầu, Tập Cận Bình vẫn quán xuyến tất cả và Đảng đứng trên Chính phủ » -
trái với Hồ Cẩm Đào trước đây đã để cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo toàn quyền hành
động.
Cũng theo ông Cabestan, nếu Tập Cận Bình tỏ ra « bảo thủ hơn về
mặt ý thức hệ và chính trị », trên lãnh vực kinh tế ông Tập « cần can
đảm hơn nếu muốn thương thảo về một mô hình tăng trưởng mới ».
Lên nắm quyền từ tháng 3/2013, hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc
Cường muốn tái định hướng kinh tế Trung Quốc, chú trọng tiêu dùng nội địa sau nhiều
năm tăng trưởng nhảy vọt nhờ xuất khẩu và đầu tư. Mục tiêu là tăng gấp đôi tổng
sản phẩm nội địa và thu nhập đầu người từ nay cho đến năm 2020.
Rất nhiều chủ đề quan trọng được người dân nóng lòng chờ đợi lại
vắng mặt trong thông cáo bế mạc. Chẳng hạn như chính sách mỗi gia đình chỉ có
một con, hay chế độ hộ khẩu đã khiến khoảng 300 triệu người nông thôn nhập cư
không được hưởng các quyền lợi về y tế và giáo dục.
Hai nhà kinh tế Lu Ting và Zhi Xiaojia của Bank of America Merrill
Lynch cho rằng việc khẳng định “vai trò quyết định” của thị trường, mà từ 1993
đã là “cơ sở” cho chính sách kinh tế Trung Quốc, “không phải là một thay đổi
thực sự có ý nghĩa. Nhưng có thể tìm thấy những hệ quả hữu ích (trong thông
cáo) như việc cải cách tư pháp hay về đất đai ».
Hội nghị trung ương 3 kêu gọi « hoàn thiện hệ thống phòng ngừa
và trừng phạt » các cán bộ tham nhũng, nhưng không hề nhắc tới việc công
khai tài sản các lãnh đạo vốn được nhiều luật gia đòi hỏi.
Đối với Andy Xie, kinh tế gia độc lập ở Thượng Hải, từng làm việc
tại Morgan Stanley, « cách duy nhất để giảm bớt những sai lầm kinh tế là
trói tay các viên chức chính phủ », và « đó là vì sao chiến dịch chống
tham nhũng là trung tâm của tất cả các cải cách kinh tế ».
Nhà kinh tế Yao Wei của ngân hàng Société Générale ở Hồng Kông
nhận định : « Các tân lãnh đạo họ đã nói những gì phải nói, bây giờ họ cần
làm những gì phải làm. Thử nghiệm bắt đầu từ lúc này đây ».
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.