VAI TRÒ CÁC CHÍNH ĐẢNG TRONG TỔ CHỨC QUỐC GIA
NGUYỄN HỌC TẬP
Càng ngày các chính đảng
càng cho thấy vai trò quan trọng của mình, như là những tổ chức nền tảng trong
các Quốc Gia Nhân Bản và Dân Chủ.
Các chính đảng trở thành
những tổ chức xã hội trung gian thiết yếu giữa cộng đồng dân chúng trong lãnh
thổ và các tổ chức cơ chế, trong việc định hướng và thực hiện
đường lối chính trị Quốc Gia, nhứt là trong phận vụ chọn lựa các đại
diện trong Quốc Hôi ( Ostrogorski M.Y.,
La démocratie et l'organisation des parties politiques, Paris 1903; Borella F.
Les parties politiques dans la France d'aujourdhui, Paris 1973; Avril P.,
Saggio sui partiti ( trad. it), Utet, Torino 1990).
A - Một vài nét lịch
sử.
Trong lịch sử, các chính
đảng được phát sinh trong lãnh vực định chế hiến định, nhằm đồng nhất hoá và
kết hợp các khuynh hướng chính trị khác nhau.
Nhưng rồi các nhóm khác
nhau không tạo được gì khác hơn là càng ngày càng trở thành những chủ thể mang
các khuynh hướng chính trị khác nhau đối với các khuôn mẫu được các Quốc Gia
trong quá khứ thiết định.
Trong quá khứ sự hiện
diện của các chính đảng thường là hiện diện ở Quốc Hội, nơi các phe nhóm khác
nhau tranh cải các chính hướng của vua.
Khuynh hướng đó vẫn
còn được tồn tại, sau khi các Quốc Gia biến thành Quân Chủ Đại
Nghị Chế ( Quân Chủ Lập Hiến) vào cuối thê kỷ 18 ở Anh Quốc
và Cộng Hoà Đại Nghị Chế, sau Cách Mạng Pháp Quốc 1789, ở Pháp
và Âu Châu lục địa.
Ngoài ra các nhóm được
thành lập trong Quốc Hội, ở các cộng đồng dân sự bên ngoài, khắp đó đây các Ủy
Ban Tuyển Cử cũng bắt đầu tạm thời được thành lập, trong các dịp
tranh cử để thay đổi mới nhân sự trong Quốc Hội.
Tuy nhiên từ giữa thê
kỷ 18 trở đi, các cuộc tranh đấu chính trị của các nhóm càng ngày
càng lan rộng, nhứt là với biến cố các chính đảng có khuynh hướng xã hội chủ
nghĩa được tổ chức rộng lớn và vững mạnh để chống lại giới tư sản ( cfr. DÂN
CHỦ PHÁP TRỊ) và khuynh hướng phổ thông đầu phiếu được mở rộng.
Từ đó vai trò các
chính đảng được thay đổi sâu đậm.
Các chính đảng không
còn là những tập họp tạm thời, mỗi khi có bầu cử, như đã đề cập, mà
trở thành những cấu trúc tổ chức hiệp hội bền vững,
- có
chính hướng,
-
chương trình
- và
phương thức thực hiện riêng,
nói lên lý tưởng, ước
vọng và nhu cầu của dân chúng.
Với những đồ án vừa kể
trong tay, các hiệp hội có thể tuyên truyền, ảnh hưởng, hướng dẫn ý kiến dân
chúng để thay đổi định chế và cơ chế Quốc Gia, nhờ sức mạnh đa số qua các cuộc
bầu cử, thay đổi và đáp ứng các vấn đề xã hội mà giới đương quyền không có khả
năng giải quyết.
Từ đó trở đi, các tổ
chức hiệp hội được đề cập, trở thành " chính đảng đúng nghĩa "
( đảng phái chính trị), can dự vào đường lối chính trị Quốc Gia, với ý nghĩa
đích thực của cách nói.
Các nhà lãnh
đạo ( leaders) và các chương trình của các chính đảng được suy nghĩ, lựa
chọn là để lãnh đạo quản trị Quốc Gia.
Hiểu như vậy, chúng ta
thấy được chính đảng có cấu trúc như là một hiệp hội,
- có chương trình
riêng,
- được thiết lập dựa
trên lòng tự nguyện của các thành viên cùng chí hướng,
- được tồn tại trong
thời gian nhờ các thành viên đồng thuận trợ lực,
- bảo tồn cấu trúc tổ
chức, để tiếp tục bảo tồn lý tưởng, và hoạt động phổ biến ra bên ngoài xã hội.
Trong vị thế vừa kể,
chính đảng trở thành gạch nối hay môi trường trung gian giữa
-
cộng đồng dân chúng đa diện trong lãnh thổ Quốc Gia, chưa phân định xác biệt
trong Cộng Đồng Quốc Gia
-
và tổ chức cơ chế quyền lực Quốc Gia.
Chính đảng là một
" tổ chức xã hội trung gian", nói như ngôn từ của Hiến
Pháp 1947 Ý Quốc ( Điều 2 ), trung gian giữa cộng đồng dân chúng và cơ chế
quyền lực Quốc Gia:
- "
Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con
người như cá nhân hay con người như thành phần tổ chức xã hội trung gian, nơi
mỗi cá nhâ n phát triển con người của mình và đòi buộc chu toàn các bổn phận
không thể thiếu trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội " ( Điều
2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Với hình thức tổ chức
như vừa kể, có cấu trúc, chính hướng, cùng với chương trình thực hiện chính xác
nhằm tới của các chính đảng, thời cá nhân chủ nghĩa của các
Quốc Gia Tự Do đạp đổ quân chủ bắt đầu lu mờ, để được thay vào đó thời điểm của
các chính đảng, có cấu trúc và phận vụ như các hiệp hội ( Mortati C.,
Istituzioni di diritto pubblico, Cedam, Padova 1975, 879).
Từ nay muốn biết được
trình độ ý thức chính trị của dân chúng và phương thức tổ chức Quốc
Gia, người ta chỉ cần tìm hiểu vai trò của tổ chức chính đảng trong Quốc Gia.
-
chính đảng có vai trò giáo huấn và hướng dẫn ý thức chính trị của dân chúng,
-
nói lên ý muốn của dân chúng trong các cuộc bầu cử,
- ý
muốn của các chính đảng cũng là những gì được kết tựu, đúc kết trong Hiến Pháp:
*
sự hiện diện của các chính đảng trong Quốc Hội,
*
tương quan giữa các chính đảng được thể hiện trong các hoạt động của
Quốc Hội cũng như của Chính Quyền,
*
ảnh hưởng của các chính đảng trong cách lựa chọn xác định cơ chế Quốc Gia ( Tổng
Thống Chế, Đại Nghị Chế, Bán Tổng Thống Chế...).
Các định chế Quốc Gia
cũng dần dần có khuynh hướng biến đổi khi các chính đảng càng ngày càng được tổ
chức vững vàng hơn.
- Từ
thái độ đàn áp, vì xem chính đảng như là những tổ chức chống đối, " bọn
phản động, thế lực thù nghịch " nói như ngôn từ của Đảng và Nhà
Nước, làm cho tổ chức Quốc Gia không còn được thuần nhứt của chế độ độc
tài, độc đảng ,
- quan
niệm về Quốc Gia bước sang thời kỳ cho rằng các chính đảng là những tổ chức phù
du, chóng qua, không có gì quan trọng,
- kế đến
là thời kỳ các chính đảng được nhìn nhận và hợp thức hóa để hoạt
động như là những hội đoàn,
- và sau
cùng là chính đảng được hội nhập vào tiến trình thành lập cơ chế Quốc Gia, đại
diện của các chính đảng là những chủ thể hành xử quyền lực Quốc Gia trong Quốc
Hội và trong Chính Quyền: vai trò của các chính đảng như vậy không thể thiếu trong
các hoạt động của các cơ chế hiến định (Triepel H., Die Staatsverfassung und
die politischen Parteien, Berlin 1927).
Chỉ những thời gian
gần đây, các chính đảng mới được chấp nhận trực tiếp trong các Hiến Pháp ( Pelloux
R., Les partis politiques dans les constitutions d'après-guerre, RDPSP, 1932,
283s).
Hình thức bảo đảm quyền
tham gia chính trị của người dân được biểu thị qua sự
hiện hữu và động tác của các chính đảng:
-
" Mọi công dân đều có quyền tự do gia nhập chính đảng, để cùng
nhau cộng tác theo phương thức dân chủ, thiết định đường lối chính trị Quốc
Gia" ( Điều 49, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),
-
" Các chính đảng cộng tác để thiết lập chính hướng của dân chúng. Thành lập
chính đảng là quyền tự do. Nội quy của chính đảng phải phù hợp với các nguyên
tắc căn bản dân chủ. Các chính đảng phải bạch hoá ngân khoản về nguồn tài trợ
các phương tiện tài chánh của mình" ( Điều 21, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng
Hoà Liên Bang Đức).
Ngoài ra các chính
đảng cũng được các Hiến Pháp sau đây nhìn nhận và thiết định phương thức hoạt
động:
-
điều 4, Hiến Pháp 1958 Pháp Quốc
-
điều 29, đoạn 1, Hiến Pháp 1975 Hy Lạp,
-
điều 51, Hiến Pháp 1976 Bồ Đào Nha).
-
điều 7, Hiến Pháp 1975 Thụy Điển,
-
điều 6, Hiến Pháp 1978 Tây Ban Nha.
B - Phận vụ các chính
đảng.
Các chính đảng độc lập
theo cường độ và trương độ khác nhau, tùy theo định chế của
mỗi Quốc Gia, thiết định trong mối liên hệ với các cơ chế Quốc Gia,
tuy nhiên các Hiến Pháp đều nhận biết phận vụ của các chính đảng
trong việc:
- lựa chọn các đại
diện chính trị,
- phát biểu đường lối
chính trị Quốc Gia của dân chúng,
- ảnh hưởng đến các
quyết định của Quốc Hội qua các nhóm chính đảng trong Quốc Hội,
- kiểm soát, giới hạn
cũng như trợ lực đài thọ các chi phí của chính đảng,
- lằn mức hiến định giới
hạn quyền tự lập của chính đảng.
1 ) Lựa chọn các đại
diện chính trị.
Mặc dầu các Hiến Pháp
không tuyên bố một cách rõ rệt vai trò các chính đảng lựa chọn người đại diện
vào các cơ chế quyền lực Quốc Gia, nhưng qua những câu tuyên bố tổng quát,
chúng ta có thể hiểu được vai trò quan trọng chọn
-
lựa người đại diện của mình, đại diện dân chúng để lựa chọn chính hướng, chương
trình
-
và áp dụng hành xử quyền lực Quốc Gia trong Quốc Hội cũng như trong Chính
Quyền:
- "
Mọi công dân đều có quyền tự do gia nhập chính đảng, để cùng nhau hợp tác theo
phương thức dân chủ, thiết định đường lối chính trị Quốc Gia" ( Điều 49,
Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
- "
Các chính đảng và các nhóm chính trị gia cộng tác nói lên nguyện
vọng của cuộc bầu cử " ( Điều 4, Hiến Pháp 1958 Pháp Quốc),
- "
Bất cứ một hiệp hội hay một nhóm tập hợp cử tri nào tham dự các cuộc bầu cử
cũng là một chính đảng" ( Điều 7, Hiến Pháp 1975 Thụy Điển).
Sau đó mọi định chế
Quốc Gia đều thiết định chi tiếc
-
các thể thức bầu cử đa đảng,
-
việc tuyển chọn ứng cử viên,
-
phân chia số ghế của các đơn vị bầu cử theo thể thức đơn danh hay tỷ lệ, hay
vừa đơn danh vừa theo tỷ lệ như ở Cộng Hoà Liên Bang Đức, cả với thể thức
" lá phiếu được vớt lại ".
-
các đại diện, cũng như việc quy tựu các nhóm dân biểu của các chính đảng thành
những khối dân biểu tùy theo khuynh hướng chính trị trong Quốc Hội ( cfr. LUẬT
BẦU CỬ CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC, BẤT ỔN VÀ ĐỘC TÀI LOẠI TRỪ NGAY TỪ ĐỘNG TÁC BẦU
CỬ).
2 ) Thể hiện đường lối
chính trị của dân chúng.
Ngoài ra các phận vụ
vừa kể, các chính đảng còn có vai trò nói lên tiếng nói đại diện cho dân chúng
về đường lối chính trị Quốc Gia và tiếng nói đó ảnh hưởng đến các cơ chế hiến
định trong việc lựa chọn chính hướng, chương trình, các phương tiện để thực
thi.
Điều 49 của Hiến Pháp
1947 Ý Quốc, cũng như điều 21 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức
trích dẫn ở trên nhìn nhận phận vụ vừa kể của các chính đảng.
Cùng trong một ý nghĩa
vừa kể,
-
" động tác của các chính đảng phải giúp cho việc làm của các cơ
chế dân chủ được hoạt động hiệu lực và trôi chảy" ( Điều 29, Hiến Pháp
1975 Hy Lạp),
-
" Các chính đảng tham dự vào cơ chế Quốc Gia dựa trên nền tảng của cuộc
đầu phiếu phổ quát và trực tiếp, theo tỷ lệ đại diện dân chủ " ( Điều 114,
Hiến Pháp 1976 Bồ Đào Nha),
-
" các chính đảng...góp phần thiết định ý muốn của dân chúng" ( Điều
3, đoạn 3 và điều 47, đoạn 1 , id.).
-
" các chính đảng cộng tác thiết định và thể hiện ý muốn của dân
chúng" ( Điều 6, Hiến Pháp 1978 Tây Ban Nha).
3 ) Các khối dân biểu
trong Quốc Hội.
Vai trò của các chính
đảng trong Quốc Hội được thể hiện trong nội quy Quốc Hội, được cấu trúc bằng
các khối dân biểu ( Firzmaurice J., The Party Groups in the European
Parliaments, London 1975).
Thường thường các Hiến
Pháp dành lại cho các định chế nội quy Quốc Hội thiết định điều lệ,
-
phận vụ của các khối dân biểu hiện diện trong các Ủy Ban đặc nhiệm thường trực,
-
cũng như các Ủy ban tạm thời,
-
trong các phiên họp khoáng đại của Quốc Hội, thời gian được trình
bày ý kiến trong các phiên họp,
-
cũng như số phiếu túc số để lấy quyết định về vấn đề được trình bày.
Hiến Pháp 1947 Ý Quốc
chỉ nói đến sự hiện diện của các khối dân biểu vừa kể trong Quốc Hội:
-
" Nội Quy của Quốc Hội có thể xác định trong trường hợp nào và
dưới hình thức nào các dự án luật phải được cứu xét và chuẩn y được
giao cho các Ủy Ban, cả những Ủy Ban Thường Trực, được thiết lập thế nào để
phản chiếu lại tỷ lệ của các nhóm đại diện Quốc Hội..." ( Điều 72, đoạn 3
Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Điều 180 Hiến
Pháp 1976 Bồ Đào Nha đề cập đến những điều khoản chi tiếc hơn phải có đối với các
Ủy Ban trong tiến trình " lập pháp", từ lúc dự án luật
được đệ trình, Ủy Ban đặc nhiệm bàn thảo, sữa đổi, quyết định, trước khi đưa ra
phiên họp khoáng đại Quốc Hội " chuẩn y hay bác bỏ", các
Ủy Ban đặc nhiệm thường trực đối nội, đối ngoại, cũng như điều tra.
4) Tiêu chuẩn về nguồn
tài chánh và lằn mức xử dụng.
Ngoài ra các Hiến Pháp
còn xác định các tiêu chuẩn về nguồn tài chánh, lằn mức tối đa được xử dụng, bởi
lẽ các phương tiện tài chánh có ảnh hưởng lớn lao trong hoạt động chính trị,
nhứt là ảnh hưởng đến cử tri qua việc xử dụng tài chánh trong các phương tiện
truyền thông trong thời gian tuyên truyền bầu cử ( Colinet F et Devys
B., Pratique du financement des campagnes élettorales, Lyon - Paris 1995).
Hiến Pháp 1949 Cộng
Hoà Liên Bang Đức đặt trọng tâm kiểm soát xuất xứ nguồn tài chánh các chính
đảng, bởi lẽ chính đảng có thể được tài trợ bởi các thế lực thù địch với thể
chế dân chủ Quốc Gia:
-
" Các chính đảng có mục đích hay cách hành xử của các thành viên
thuộc hệ nhằm khuynh đảo hay loại trừ định chế nền tảng dân chủ tự do hay nhằm
đánh đổ cuộc hiện hữu sống còn của Cộng Hoà Liên Bang Đức, là những chính đảng
vi hiến" ( Điều 21, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Trong khi đó thì định
chế Hoa Kỳ giới hạn mức chi tiêu tối đa cho các ứng cử viên, để tránh tình
trạng " cá lớn nuốt cá bé " như vừa đề cập ( Federal
elections Campaign Act 1971, 1974 and 1976).
Giới hạn vừa kể cũng
được đề cập đến ở Anh ( Representation of People Act 1978).
Và rồi mặc dầu với
những giới hạn về việc xử dụng tài chánh vừa kể, các kết quả cũng không đem lại
lằn mức mong muốn, nhiều Quốc Gia
-
đứng ra đảm nhận chi phí đều nhau cho các ứng viên
-
hay giới hạn tư nhân không được đài thọ tuyên truyền cho các ứng viên, để bảo
đảm cho mọi chính đảng đều có cơ hội đạt được kết quả như nhau, Quốc
Gia đứng ra trang trải các chi phí tuyên truyền bầu cử ở cấp Liên Bang
( Bund) cũng như cấp Tiểu Bang ( Laender), tùy theo số
phiếu mà ứng viên thu hoạch được sau kỳ bầu cử ( Cộng Hoà Liên Bang
Đức, đạo luật 24.07.1967, tu chính 1969 ; Thụy Điển, kể từ
01.01.1969; Phần Lan, luật 10.01.1969 ; Ý Quốc, luật 02.05. 1974, n. 175 và
luật 10.12. 1993, n. 515).
Với động tác được công
qủy đài thọ như vừa kể,
-
ngoài ra mục đích loại trừ hay giới hạn cá nguồn tài trợ tư nhân, có thể tạo
nên những bất công " cá lớn nuốt cá bé " ,
-
Quốc Gia còn có quan niệm các hoạt động của chính đảng là những động
tác công cộng, hoạt động vì lợi ích chung, vì quyền lợi Quốc Gia hơn là cho
phe nhóm ( Giuseppe De Vergottini, Diritto Costituzionale Comparato, V
ed., Cedam, Padova 1999, 337-338).
5) Giới hạn đối với
các chính đảng.
Trong các Quốc Gia Dân
Chủ, mặc dầu là dân chủ đa nguyên, các chính đảng cũng có các lằn mức giới hạn
về tổ chức nội bộ và phương thức hoạt động của mình trong Cộng Đồng Quốc Gia.
Các Quốc Gia Dân Chủ
với các chính đảng trong lòng xã hội mình là các Quốc Gia Dân Chủ Đa
Nguyên.
Nhưng muốn có Quốc Gia Dân
Chủ Đa Nguyên, trước hết chúng ta phải có Quốc Gia Dân Chủ và hoạt động luôn
luôn nhằm tôn trọng nhân phẩm con người:
-
" Không thể chấp nhận bất cứ một sự sửa đỗi nào đối với Hiến Pháp
nầy có liên quan đến mối liên hệ giữa Liên Bang và các Tiểu Bang, nhứt là đến
sự tham dự của các Tiểu Bang vào tiến trình lập pháp hoặc đến các nguyên tắc đã
được tuyên bố ở điều 1 và điều 20" ( Điều 79, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 Cộng
Hoà Liên Bang Đức)
( Điều 1 nói lên phẩm giá
con nguời bất khả xâm phạm; điều 20 định ghĩa thể chế Cộng Hoà Liên Bang Đức là
một Quốc Gia Liên Bang, Dân Chủ và Xã Hội).
Và kế đó
chính là những gì điều 21, đoạn 2 Hiến Pháp Cộng Hoà Liên Bang Đức đã nêu lên,
chúng ta vừa trích dẫn ở trên, các chính đảng không thể nào trong các hoạt động
của mình có thể
-
"... nhằm khuynh đảo hay loại trừ định chế nền tảng dân chủ tự do
hay nhằm đánh đổ cuộc hiện hữu sống còn của Cộng Hoà Liên Bang Đức...".
Bởi lẽ đó là những
chính đảng bị chính Hiến Pháp đặt ra ngoài vòng pháp luật,
-
" ...là những chính đảng vi hiến" ( Điều 21, đoạn 2 Hiến Pháp
1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Cũng vậy, đối với cấu
trúc tổ chức nội bộ, dân chủ là đặc tính không thể thiếu:
-
" Các chính đảng cùng nhau cộng tác thiết định ý muốn chính trị
của dân chúng. Thành lập chính đảng là quyền tự do, nội quy của chính đảng phải
thích hợp với các nguyên tắc căn bản dân chủ" ( Điều 21, đoạn 1 Hiến Pháp
1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Đặc tính dân chủ trong
tổ chức nội bộ cũng như các hoạt động ra bên ngoài, được Hiến Pháp 1947 Ý Quốc
xác định bắt buộc như là điều kiện không thể thiếu, để chính đảng có thể được
chấp nhận có tư cách pháp nhân, đại diện cho dân chúng để tổ chức và hoạt động:
- "
Mọi công dân đều có quyền tự do gia nhập chính đảng, để cùng nhau cộng tác theo
phương thức dân chủ, thiết định đường lối chính trị Quốc Gia" ( Điều 49,
Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Nguyên tắc nền tảng
dân chủ vừa kể trong tổ chức nội bộ, cũng như trong động tác tranh đấu, hợp tác
chính trị, chúng ta cũng tìm được ở
-
điều 10, đoạn 2 và điều 51, đoạn 1 Hiến Pháp 1976 Bồ Đào Nha,
-
" Việc thành lập các chính đảng phải được dựa trên nền tảng Hiến
Pháp và Luật Pháp. Cấu trúc nội bộ cũng như động tác của các chính đảng phải
theo phương thức dân chủ" ( Điều 6, Hiến Pháp 1978 Tây Ban Nha).
Và như chúng ta biết
Hiến Pháp 1947 Ý Quốc là Hiến Pháp thoát xuất từ kinh nghiệm độc tài, đê tiện
con người của đảng Phát Xít Mussolini, bởi đó trong phần Chỉ
Thị Tạm Thời ( Disposizione Transitoria), điều XII cấm ngặc tổ chức lại
đảng Phát Xít:
- "
Cấm việc tái lập lại, dưới bất cứ hình thức nào, chính đảng Phát Xít đã bị giải
tán" ( Điều XII, đoạn 1, id.).
Kế đến đạo luật n.
645, ngày 20.06.1952, áp dụng chỉ thị của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc cũng cấm cả
việc thiết lập các chính đảng có khuynh hướng theo chủ trương Phát Xít.
Ở Hoa Kỳ chúng ta cũng
có 2 đạo luật " Internal Security Act , 23.09.1950 và Communist
Control Act, 19.08.1954 " cấm thiết lập các Hiệp Hội Cộng Sản.
Và dĩ nhiên, như chúng
ta biết, các Hiến Pháp Tây Phương không phải chỉ là những văn bản viết ra để
tuyên bố " vô thưởng vô phạt " , mà là những điều
khoản của Hiến Pháp là những đạo luật thực định ( lois positives),
bởi đó ngoài việc tuyên bố các chính đảng có tổ chức nội bộ hay phương thức
hoạt động trái với những gì Hiến Pháp bằng những xác nhận,
-
"... là những chính đảng vi hiến" ( Điều 21, đoạn 2 Hiến Pháp
1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức),
Hiến Pháp còn tiền
liệu cả cơ quan có bổn phận phán quyết, Viện Bảo Hiến, để
chuẩn định và quy trách cáo buộc trách nhiệm dân sự cũng như hình sự, kể cả
việc giải tán chính đảng:
-
" ...là những chính đảng vi hiến. Về vấn đề tính cách vi hiến,
Viện Bảo Hiến Liên Bang ( Bundesverfassungsgericht) sẽ quyết định".
-
" Các chi tiếc sẽ được luật pháp Liên Bang sắp xếp áp dụng" ( Điều
21, đoạn 2 và 3 , id.).
( Wassermann R., Sicherung oder
Aushohlung des Rechtsstaates? Zum Thema: Politischer Radicalismus und
Rechtsordnung, in Aus Politik un Zeitgeschite, 13, 1976, p. 3-20).
Chính đảng là tiếng nói,
nói lên nhu cầu và ước vọng của dân chúng đồng thuận với đường hướng của mình,
cộng tác thêm sung mãn, cũng như sửa đổi, định hướng, hảm thắng các cách suy tư
và hành xử quá lố của giời đương quyền, ở Quốc Hội hay trong Chính Quyền cũng
vậy.
Nhưng muốn cộng tác xây
dựng đất nước, chính đảng không thể đi ra ngoài phương thức dân chủ và chà đạp
con người, nếu không muốn trở thành những chính đảng Đức Quốc Xã của Hitler, Phát
Xít Ýcủa Mussolini, Cộng Sản vô nhân đạo và độc tài, phi dân chủ:
- " Không thể chấp nhận
bất cứ một sự sửa đổi nào đối với Hiến Pháp nầy có liên quan đến ...các nguyên
tắc đã được tuyên bố ở điều 1 và điều 20" ( Điều 79, đoạn 3 Hiến Pháp 1949
Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Phải chăng đó là những gì chúng ta cũng mong
ước cho tương lai Việt Nam: chính đảng dân chủ, đại diện cho nhu cầu và ước
vọng của người dân và hành xử cũng như tổ chức nội bộ theo phương thức dân chủ
hiến định.
Quý vị có thể tìm đọc toàn bộ Tài Liệu về Hiến Pháp của Giáo Sư
Nguyễn Học Tập tại:
http://www.thegioinguoiviet. net/forumdisplay.php?f=69
http://www.thegioinguoiviet. net/forumdisplay.php?f=69
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.