Khi “liệt sĩ trở về”
muốn tự tử!
Ông Hào trong căn nhà rách nát cùng
giấy tờ 30 năm tuổi Đảng của bố và bằng công nhận liệt sĩ của mình.
Ông Lê Xuân Hào, một
cựu binh nhập ngũ tại thôn An Hòa (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, nay thuộc thủ
đô Hà Nội) từ 28 năm trước đi làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Campuchia. Năm
1992, đơn vị đã gửi giấy báo tử, bằng “Tổ quốc ghi công” để tri ân “liệt sĩ Lê
Xuân Hào”. Nghĩa trang xã Trầm Lộng, chùa trong xã đều có tên “liệt sĩ” Hào,
bàn thờ trong nhà cụ Lê Đức Mạnh (bố ông Hào) có “di ảnh” và bát nhang thờ
người quá cố Lê Xuân Hào. Đùng một cái, sau hơn 27 năm được thờ cúng, Lê Xuân
Hào đen đúa, rách rưới, ốm o, sầu tủi trở về, anh dắt theo 1 đứa con gái với
cái tên “vọng cố hương” là Lê Thị Thùy Dương.
Bên Campuchia, xứ sở
mà anh lưu lạc hơn 20 năm qua, còn 4 người con gọi bằng “bố Hào” nữa. Nếu
chuyện chỉ dừng ở đoạn này, thì đã đau đớn, chua xót, ám ảnh nỗi đau chiến
tranh và thời hậu chiến lắm rồi. Và cái mô típ “liệt sĩ” trở về cũng đã diễn ra
nhiều, khá quen thuộc trên cả nước.
Tuy nhiên, người viết
bài này và bà con Trầm Lộng lại đang day dứt, xôn xao bởi một chủ đề khác: Liệt
sĩ trở về Lê Xuân Hào đã uất ức muốn mua xăng về tự tử vì “thủ tục làm người
còn sống”, con gái ông cũng vì “vướng thủ tục” đó mà không thể đăng ký kết hôn,
cháu đã chính thức… uống thuốc ngủ để chết. May mà Bệnh viện Bạch Mai rửa ruột
cứu mạng kịp thời.
Tờ giấy in công văn gửi
cho gia đình liệt sĩ giá bao nhiêu tiền?
Nghe những gì ông Hào
và cháu Thùy Dương nói, chúng tôi thật sự sốc. Sau khi xác tín “tin dữ” từ gia
đình, xóm mạc, cả trưởng thôn An Hòa, cả Phó Chủ tịch UBND xã, rồi cả Phó Giám
đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, Trung đoàn Thủ đô, tôi mới ngã ngửa: Hóa ra thủ tục làm
người còn sống khó thật.
Thủ tục “hành là…
chính” với quan niệm của không ít cán bộ thời này là gì? Có lẽ là “chuyện dễ mà
không làm cho khó, thì làm gì có thịt… chó mà ăn”. Hành là chính với công dân
bình thường đã là đau đớn, đằng này lại “hành” cả một cựu binh cống hiến cả tuổi
trẻ, cả máu xương, sẵn sàng “vị quốc vong thân” như ông Hào thì quá khó hiểu!
Ông Hào và bữa cơm nấu ở góc sân.
Sau khi trở về, gỡ tấm
ảnh thờ của mình ra khỏi bàn thờ ẩm mốc trong ngôi nhà cũ rách nát, ông Hào lập
cập leo xuống, nằm góc nhà cứ rúc lên từng hồi. Bà nội chết, mẹ chết, bố chết.
Lúc anh đi lính, bà và bố vẫn khỏe lắm. Ngôi nhà xưa thuộc quyền sở hữu của ông
anh trai sống tít mãi Sơn La, đã bỏ không, rêu mốc.
“Chỗ này, là nơi đặt
hòm gỗ, phủ cờ đỏ sao vàng, cử hành lễ truy điệu mày đây, Hào ạ. Bằng tổ quốc
ghi công, giấy báo tử của mày đây. Tao phải dẫn bố mày lên huyện dò hỏi mãi mới
biết mày đã “hy sinh” đấy”. Chứ cứ để yên thì bây giờ mày vẫn vào loại mất tích
trong im lặng” – cậu ruột Lê Xuân Hào rành rọt.
Than ôi, cái giấy tờ
của Sở LĐTBXH Hà Tây (cũ), do ông Phó Giám đốc ký về chuyện Hào hy sinh, rồi
gia đình hưởng chế độ “mai táng phí” gì đó, sao mà nó thê thảm thế. Giấy về một
tử sĩ, gửi cho bố của liệt sĩ, mà gạch xóa nham nhở. Thậm chí “phôi” giấy cũ
mèm, có từ thời Hà Tây còn thuộc về tỉnh cũ Hà Sơn Bình, người ta cứ bừa phứa
gạch xoẹt chữ “Hà Sơn Bình”, viết đè đen thui lên đó một chữ “Hà Tây” (4 lần
gạch xóa viết đè trong một văn bản vô cùng quan trọng), rồi chỗ nào cần xóa là
xóa, cần đè là đè.
Một tờ giấy và công
viết một công văn về liệt sĩ, gửi cho gia đình liệt sĩ nó đắt đỏ và khó khăn
thế ư? Thế mà Phó Giám đốc sở cũng nỡ đặt bút ký và… đóng giấu vào đấy được ư?
Mà có phải thời chiến tranh hay bao cấp đói nghèo gì, cái giấy về lễ tang với
“mai táng phí” ấy mới được ký và gửi vào ngày 25.5.1993!
Trốn trong hang đá,
ngủ ngoài bìa rừng, chui trong bồ đựng thóc
Chưa hết. Lê Xuân Hào
nhập ngũ năm 1983, sau khi huấn luyện kỹ, được “phiên” vào tiểu đội 2, trung
đội 4, đại đội 12, tiểu đoàn 4, đoàn 7704, mặt trận 497, Campuchia. Tháng 3 năm
1984, trong một lần đi hái rau phục vụ đơn vị thì bị lọt vào ổ phục kích, bị địch
bắn trọng thương ở đùi, mảnh đạn pháo văng vào đầu bất tỉnh. Anh từ cõi chết
tỉnh lại thì thấy mình nằm trên nhà sàn, trong nhà một gia đình ở miền núi
Campuchia.
Họ dùng lá rừng, nước
muối và cháo loãng chăm sóc anh hồi phục. Khi đang tập tễnh lên da non các vết
thương, Hào đã đòi các ân nhân cứu mạng đưa mình về nơi đóng quân để tiếp tục
chiến đấu. Nhưng đến nơi thì đơn vị đã chuyển đi từ lâu. Rừng núi điệp trùng,
trọng thương chưa lành, lại không biết tiếng Campuchia, ở đó cũng không ai nói
được tiếng Việt, lại không một xu dính túi, không một tấc sắt trong tay.
Ông Hào với chiếc xe cải tiến đi mua phế liệu và đàn gà công
nghiệp sắp chết rét
Gia đình ân nhân cũng
cực kỳ nghèo khó. Giữa thời nước bạn còn tàn quân Pôn Pốt tung hoành dã man đó,
anh bộ đội Việt Nam cũng không dễ gì an toàn khi xuất hiện ở chỗ đông người.
Không còn cách nào khác, Hào tạm ở lại bản làng hẻo lánh. Thế rồi anh phải lòng
cô con gái chủ nhà.
Cô này đã một đời
chồng, có một đứa con riêng. Họ ở với nhau, có thêm 4 đứa con chung. Ông Hào
kể, để sống sót, nuôi được bà vợ bệnh trọng (ung thư vú, đã chết) và đàn con
nheo nhóc, ông thường đi đánh cá thuê lênh đênh trên Biển Hồ với nhiều lần dông
gió lật thuyền, tưởng như mất xác trong gang tấc.
Anh cũng đi làm rẫy
thuê, sống lẩn trốn tàn quân Pôn Pốt với hàng chục lần chết hụt. Suốt nhiều năm
phải di chuyển nhà, cứ trời rim rỉm tối là phải trốn khỏi nhà đi ngủ ngoài
rừng, vì binh lính lùng sục tìm giết. Có đêm phải trốn trong bồ thóc, nhiều
ngày sống như khỉ vượn, ăn quả xanh, uống nước suối, ngủ hang đá khi bị truy
đuổi, anh vẫn đau đáu một ngày được trở về quê hương, vì thế, các con anh, bên
cạnh tên Campuchia, anh vẫn đặt cho nó một cái tên việt: Thi, Nga, rồi Lê Thị
Thùy Dương.
Bị trọng thương, “lúc
nhớ lúc quên”, lạc đơn vị từ năm 1984, mãi hơn 27 năm sau, tình cờ có người
cùng quê Ứng Hòa sang Campuchia đốn gỗ trong rừng già, gặp ông Hào đang đi làm
thuê ngoài rẫy. Đen đúa, rách rưới, ngơ ngẩn.
Người đồng hương rớt
nước mắt giao nhiệm vụ cho Lâm, một đứa cháu của ông ta về quê báo tin cho gia
đình ông Hào. Sau 2 lần thuê xe, dò hỏi, thuê người dẫn đường và “bảo vệ” để
vào vùng hẻo lánh đó, một người em của Lê Xuân Hào đã đưa được anh hồi hương.
Hai bố con “liệt sĩ”: Người định tự thiêu,
người đã tự tử đang dở câu chuyện “thủ tục làm người còn sống”
Về đến nhà, xã nghe
tin “liệt sĩ” Lê Xuân Hào còn sống, họ cắt luôn tiền chế độ thờ cúng liệt sĩ
của Lê Xuân Vui – em trai ông Hào. Không “được” là “liệt sĩ”, nhưng suốt mấy
trăm ngày qua đi lo thủ tục, chạy vạy đủ đường, ông Hào và con gái, cùng gia
đình vẫn phải phẫn uất, chán nản, thậm chí ông Hào định tự tử còn con gái ông
thì tự tử rồi. Chỉ vì sự nhiêu khê. Ông Hào có đi bộ đội không? Có.
Có khổ sở 27 năm qua
vì nhiệm vụ thiêng liêng cho tổ quốc và tình hữu nghị quốc tế không? Có. Giấy
tờ còn nguyên vẹn đó. Thế tại sao mấy trăm ngày qua, cơ quan chức năng không lo
cho ông ta nhập hộ khẩu, có chứng minh thư? Tại sao con ông ta đến tận khi tôi ngồi
viết những dòng này, cháu Dương vẫn khóc, gia đình vẫn lo cháu tiếp tục tự tử,
vì không có hộ khẩu, không có chứng minh thư để đăng ký kết hôn?
Sao người cán bộ không
đặt mình trong tâm trạng của người trở về sau 27 năm được “cúng” trên bàn thờ
như thế – để chia sẻ, cảm thông và nỗ lực vì họ? Nếu ai đó vì làm nhiệm vụ cho
non sông mà bị thất lạc gia đình, quê hương suốt 27 năm tận cùng khổ sở, khi
trở về, bố đã chết, bà nội đã chết, thì họ nghĩ gì?
Họ nghĩ gì thì nghĩ,
nhưng, chắc chắn họ không thể tin được là mất hơn 600 ngày chạy vạy lo lắng mà
Quê Hương không nhập khẩu, cấp chứng minh thư cho họ – Người Lính Đã Ra Đi Vì
Tiếng Gọi Non Sông!
Sau khi các nhà báo
“vạch trần” bi kịch tàn nhẫn này: Lần đầu tiên sau mấy trăm ngày hồi hương
trong nước mắt, ông Hào đã được trân trọng đón tiếp cán bộ địa phương đến thăm.
Rồi vài gói quà, cái chăn ấm có gắn các tờ giấy trắng in dòng chữ diêm dúa “nơi
nọ nơi kia kính tặng”. Rồi xã, huyện và cấp cao hơn một tí cùng nhận lỗi. Phòng
LĐTBXH thì thanh minh là mình không hiểu thủ tục.
Xã thì mắc lỗi không
báo cáo lên huyện bằng văn bản, dù có gọi điện và báo cáo… mồm chuyện ông Hào
bỗng dưng “từ cõi chết” tìm về. Các đoàn “thăm hỏi” tới tấp. Họ “thăm” vì tình
cảm với ông, vì tri ân một người đã xông pha vệ quốc và chịu quá nhiều thiệt thòi
sau 27 năm “ngự” trên bàn thờ, hay họ lo sợ trách nhiệm khi bị tố vô cảm với
“liệt sĩ trở về”? Ông Hào bảo:
“Tôi không biết nói
gì”. Rồi ông khóc. Một lời cảm ơn đoàn cán bộ sở do ông Phó Giám đốc dẫn đầu
đến thăm, ông Hào cũng không nói. Ông cứ ngồi yên như pho tượng đá. Gia đình
phải
đỡ lời.
đỡ lời.
Đợi khách về hết, ông
Hào mới thở dài với nhà báo: “Tôi đau lắm. Tôi đi nhặt phế liệu kiếm sống. Tôi
cóp tiền. Tôi từng định bỏ 300.000 đồng ra mua xăng về tự tử. Đốt cái là hết.
Con gái tôi thì uất quá tự tử, vì không có hộ khẩu, không có chứng minh thư.
Trong khi nó phải lấy chồng.
Nhà chồng nó có người
thân làm lãnh đạo xã sở tại, ông ấy khá kiên quyết “gương mẫu”, rằng là: Cháu
dâu mình phải về nhà mình với giấy đăng ký kết hôn đàng hoàng. Thế rồi các cháu
vẫn quyết cưới, nhưng xích mích đã xảy ra khi không thể đăng ký kết hôn. Cháu
Dương đã tự tử”.
Ông Hào khóc. Khóc
lặng đi rất lâu rồi lại khóc. Cậu ruột ông Hào đỡ lời: Hồi “thằng” Hào đi bội
đội, tôi đang làm xã đội trưởng, giao cháu tôi cho cán bộ đem đi làm nhiệm vụ
lớn. Vậy mà năm tháng trôi qua, không ai cho biết nó sống chết thế nào. Lúc già
yếu, anh tôi (bố ông Hào, người cán bộ 30 năm tuổi Đảng), lọm khọm lên huyện
hỏi tin tức rất nhiều lần. Mãi rồi họ mới gửi… giấy báo tử.
Giờ “nó” trở về, khổ
quá là khổ. Rồi ông cậu cũng lại rơi nước mắt.
Anh Lê Xuân Vui – em
ruột, người bao năm thờ cúng “liệt sĩ Lê Xuân Hào” – bèn đỡ lời, kể: Tôi đưa
anh Hào lên công an huyện, đưa đi lo thủ tục nhiều lần lắm. Vào phòng của công
an, “khai” cả buổi sáng, khai nhiều lần. Nhưng người ta không cấp cho anh ấy hộ
khẩu và chứng minh thư. Có lần, đi lại mãi, họ cấp hộ khẩu một quyển đàng
hoàng, có tên anh Hào và cháu Dương hẳn hoi.
Tuy nhiên, chiều hôm
trước cấp thì sáng hôm sau Công an xã được cử đến… thu lại. Mãi đến tháng 8 năm
2013 vừa rồi, tức là sau hơn 2 năm anh Hào trở về, họ mới cấp hộ khẩu và làm
chứng minh thư cho anh Hào. Riêng con gái anh, cháu Lê Thị Thùy Dương thì bây
giờ vẫn “lưu lạc”, chưa nhập khẩu, chưa có chứng mình thư. Cháu đi làm dâu bên
Sóc Sơn, sau vụ tự tử, mỗi lần về thăm bố nó đều khóc, buồn lắm.
Ông Hào đi hỏi tiếp,
thì họ bảo lên “cơ sở hai” gì đó, ông chả biết ở đâu. Và người đi nhặt phế liệu
kiếm sống lần hồi với bao vết thương trên thịt da và trong tâm khảm như ông,
lấy đâu ra sức lực, tiền của để mà đi?
Xã bảo: Cắt chế độ
liệt sĩ là việc của xã, còn lo chế độ cho “liệt sĩ trở về” là việc của cấp
trên. Cấp trên thì bảo xã không báo cáo bằng văn bản nên không… biết. Hoặc biết
nhưng không biết thủ tục phải làm thế nào. Hơn 2 năm đằng đẵng trôi qua. Và,
thế là, ông Hào, vì sự gào réo của cái dạ dày, mới bèn đóng cái xe cải tiến đi
thu mua phế liệu kiếm sống hằng ngày.
Người đàn bà quá lứa
lỡ thì đến gá nghĩa với ông, chăm sóc ông lúc ốm đau bệnh tật một thân một mình
ấy, gặp nhà báo, cứ rầu rĩ vuốt nước mắt nhìn chồng như van xin: “Em lấy chồng
là để nương tựa vào chồng. Anh mà tự tử, thì anh giết em đi cho xong!”. Đứa con
gái Thùy Dương thương nhớ của ông Hào đi làm dâu nhà người ta rồi, vẫn nói
tiếng Việt bằng giọng Campuchia lơ lớ, khó nhọc.
Nó nhắn tin qua điện
thoại cho nhà báo, cũng ngọng và sai chính tả chi chít như khi nói: Em đau buồn
lắm, bao giờ em mới có hộ khẩu và chứng minh thư? Em tự tử vì không được đăng
ký kết hôn anh ạ. Bố em định tự tử vì… cái hôm lên huyện xin thủ tục cho em
cưới chồng mà không được ấy. Có người bảo bố em là phải… phải… thì người ta mới
cho!
Lời thật thà của Thùy
Dương làm chúng tôi có cảm giác ai đó dùng cật nứa cứa vào lục phủ ngũ tạng
mình. Nó đã tự tử và đã đi xe cấp cứu lên Bạch Mai rửa ruột rành rành. Nếu ông
Hào mua xăng tự thiêu thì tôi sẽ không mấy bất ngờ nữa. Lỗi là do ai? Không lẽ
cứ nhận lỗi là xong? “
Thủ tục làm người còn
sống” của một cựu binh làm nhiệm vụ vì non sông gấm vóc mà còn khó thế – đủ
biết các thủ tục “hành là chính” khác nó chông gai đến mức nào! Tự hỏi: Không
lẽ chúng ta cứ chấp nhận chung sống với sự rầy rà vô cảm đó mãi ư..?
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.