Xã luận đầu năm
Phạm Thị Hoài
Những thông điệp đầu năm của các nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ trên toàn thế giới đều có chung một điểm: chúng chẳng ăn nhằm gì đến thực tế chính sách trị quốc mà các nhà cầm quyền này hoạch định. Chúng đơn giản là một nghi thức của văn hóa chính trị. Song cái văn hóa ấy ở mỗi nơi một khác.
Ở Đức, thông điệp đầu năm của Thủ tướng là hình thức diễn văn trang trọng nhất ở bậc cao nhất, bậc thượng đỉnh quốc gia. Hiển nhiên diễn giả phải tuân thủ yêu cầu nội dung bắt buộc của thể loại này là nhìn lại năm cũ, hướng đến năm mới, trong không quá mười phút – khả năng người nghe ngủ gật, chuyển kênh khác, chạy ra bếp khui bia hay tắt tivi ở phút thứ mười một là rất cao. Song những thứ đó thực ra khá vô nghĩa: chẳng ai muốn dành tai này cho những điều đã biết đến chán ngấy hoặc nghe chuyện cổ tích về 365 ngày vừa trôi qua và dành nốt tai kia cho một phác họa viễn tưởng về 365 ngày còn chưa đến.
Diễn văn quốc gia đầu năm tự bản thân nó không có cả giá trị thông tin lẫn giá trị giải trí, trừ trường hợp diễn giả quá vụng về. Nhưng nó có thể có một giá trị văn hóa, nếu diễn giả biết sử
dụng một ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh, phù hợp với đối tượng và phù hợp với phong cách của bản thân mình; biết pha trộn đúng tỉ lệ giữa nghị luận, hùng biện, suy tư, tâm tình và hài hước; biết để lại ấn tượng bằng ít nhất một khái niệm hay tốt hơn cả là một câu bập ngay vào tâm khảm người nghe; biết mở ra và khép lại với một sợi chỉ đỏ xuyên suốt; biết cấu trúc hợp lí, dẫn dắt khéo léo, thiết kế cao trào và kết thúc với dư âm… Đó là chưa kể diễn văn ấy phải được trình bày tự nhiên, trôi chảy, giầu cảm xúc, đúng nhịp điệu và chân thực. Đó là chưa kể đầu tóc, quần áo, ngôn ngữ cơ thể và chất giọng. Tóm lại, diễn văn đầu năm là một thách thức văn hóa chứ không phải thách thức chính trị cho các chính khách ở phương Tây. Đã vô nghĩa thì ít nhất hãy vô nghĩa cho có thẩm mĩ.
Phần lớn các diễn văn đầu năm của những Thủ tướng Đức mà tôi từng nghe đều có thể bị đánh trượt hay chỉ đạt điểm trung bình về tổng thể hay về một phương diện. Hiếm có một kiệt tác nào trong số đó đáng đưa vào bảo tàng văn hóa Đức đương đại. Điều ít thấy nhất ở đó là sự nồng nhiệt, diện mạo cá nhân và sự hài hước, những yếu tố lôi cuốn dễ gặp hơn ở cách chính khách Hoa Kỳ vốn thuần thục hơn với nghệ thuật chinh phục đám đông và cũng phụ thuộc vào đó hơn. Song dù hay dở thế nào, tất cả đều đạt điểm chuẩn ở một phương diện: đúng đối tượng – người dân. Những diễn văn phát vào đêm giao thừa từ tám năm nay và sắp thêm bốn năm nữa của bà Merkel không có gì sâu xa xuất sắc, dù có năm bà mở đầu bằng tác phẩm hài kinh điển Dinner for One và kết thúc bằng triết gia Hi Lạp Democritos. Năm nay cũng không thú vị hơn. Không chứa đựng những tín hiệu giữa hai hàng chữ để các chuyên gia phân tích phải dò mìn phỏng đoán nước Đức sẽ đi về đâu – ở một số nước Nam Âu, người ta thậm chí đang lo nước Đức lại lăm le nuốt chửng các láng giềng, lần này không bằng xe tăng mà bằng xe hơi Audi, BMW, Mercedes và Volkswagen. Không một lời về chính sách đường lối, về quyết tâm tới lui, về vai trò sứ mệnh ầm ĩ của chính phủ. Trong vỏn vẹn 6 phút đồng hồ, bằng những lời trang trọng nhưng giản dị và khá thân tình – bà Thủ tướng thổ lộ dự định năm tới là sẽ dành nhiều thời gian đi hít thở không khí trong lành ngoài trời hơn -, trực tiếp nhắm đến địa chỉ là người dân, bà chủ yếu dành lời khen ngợi những thành tích và nỗ lực cụ thể của người dân – chứ không phải của chính phủ Đức – trong năm qua và kêu gọi họ tiếp tục đồng lòng dấn bước trong năm tới, rồi cuối cùng tất nhiên kết thúc bằng lời chúc sức khỏe, viên mãn và phước lành của Chúa – chứ không phải của Đảng Dân chủ Thiên chúa mà bà thống lĩnh – cho mọi gia đình.
Các thông điệp đầu năm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dựa trên một văn hóa chính trị hoàn toàn khác. Mỗi năm là một bài đăng báo dài dằng dặc chứ không phải một diễn văn trước ống kính. Chúng ta hãy thưởng thức một đoạn trong thông điệp đầu năm nay (2014):
“Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Quan tâm bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống, tập quán tốt đẹp của làng quê Việt Nam.
Khẩn trương sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.”
hay một đoạn của thông điệp đầu năm ngoái (2013):
“Cùng với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong năm 2012 phải tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo trong kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11 của Chính phủ, tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, thậm chí có nguy cơ rơi vào vòng suy thoái mới, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc của các ngành, các cấp. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò mở đường, tạo cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện nhưng kết quả phải được phản ánh trên từng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp phải là chủ thể, có vai trò quyết định.”
hoặc một đoạn của thông điệp đầu năm kia (2012):
“Điều chỉnh cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư. Nhà nước tập trung đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực và các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu nhất, đồng thời đẩy mạnh huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển. Khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ sạch. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường.”
và một đoạn của thông điệp đầu năm kìa (2011):
“Tái cấu trúc các ngành sản xuất và dịch vụ, trọng tâm là phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, phải xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với công nghệ cao nhằm tăng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất; gắn kết chặt chẽ giữa áp dụng khoa học công nghệ với tổ chức sản xuất; giữa sản xuất, chế biến với phân phối trong một chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu trong chuỗi giá trị đó; giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.”
Đó đơn giản là những bài xã luận với văn phong muôn thuở của khẩu hiệu, nghị quyết và báo cáo, dùng tốt cho bất kì một thời điểm nào trong năm, dùng tốt cho bất kì năm nào, dùng tốt cho bất kì dịp nào: Ngôn ngữ chính trị là thứ duy nhất ở đất nước này có phẩm chất ổn định. Không có bóng dáng nào của người dân trong đó. Không ai có thể cam đoan là được thấy Thủ tướng đang nói với mình. Đối tượng gửi gắm của cái gọi là “thông điệp đầu năm” đó cũng phi diện mạo như tác giả của nó. Tôi không rõ người ta có thể dò thấy quả mìn nào chờ nổ trong những văn bản mà chỉ cần đọc một câu đã tiêu hết dự trữ hứng thú trong ngày ấy. Ông Thủ tướng, hay nói đúng hơn là những người soạn xã luận đứng tên ông, chỉ lặp lại, với mỗi năm một chút xê dịch, tất cả những gì mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã công bố trong Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 từ nhiều năm trước. Rất có thể nhóm ghostwriter của ông Thủ tướng cũng chính là nhóm soạn Dự thảo đó.
Chất lượng sống có thể bị nhìn lệch qua lăng kính của chỉ số tăng trưởng kinh tế, nhưng bao giờ cũng được phản ảnh trung thực qua những điều tưởng chừng rất nhỏ. Mỗi đầu năm một bài xã luận tra tấn của người đứng đầu chính phủ như nghi thức bất biến của văn hóa chính trị Việt Nam, theo tôi, không phải là chất lượng sống đáng ước ao.
Nguồn: http://www.procontra.asia/?p=3844
Nói Với Ai, Làm Viên Đá Cuội…
Ngọc Hà phỏng vấn Đinh Tấn Lực
Như thường lệ, cuộc phỏng vấn đầu năm 2014 của Thông tấn xã Ý Dân, giữa phóng viên Ngọc Hà (NH) và blogger Đinh Tấn Lực (ĐTL), vẫn diễn ra tại một quán càphê vườn nhà thân quen. Càphê đặc cắm thìa không nghiêng ngã, mà nhạc thì nhẹ tênh, bềnh bồng như sợi khói trôi lướt trên sông…
NH: Ngay hôm đầu năm, vừa mới nghe Thông Điệp 2014 của Thủ Tướng (TTg) xong, chưa kịp gọi lấy hẹn thăm hỏi ý kiến ông, thì đã thấy ông xả băng quán triệt tại quán nhậu tận đẩu đâu ngoài Chươnng Dương, Thường Tín. Đó là chuyện của xã. Nay xin được lắng nghe ở ông một vài ý kiến chính quy, được chứ ạ?
ĐTL: Vâng, Nhưng xin bà thư thư cho được nghe hết bài nhạc này đã nhé… Trong bài này tôi thích nhất 4 câu:
“Nói với ai, làm viên đá cuội,
lăn xuống đời nằm im nhớ ai …
Nói với chân, đường xa đã đi,
không lối về… biển mù sương che … “
(Hoàng Quốc Bảo – Thanh Xuân Đánh Giấc Ngậm Ngùi)
Trong 4 câu đó lại thích nhất câu đầu: Nói với ai, làm viên đá cuội…
Đấy, bà có nghe gì không? Cái thông điệp mà bà đang dọ ý tôi đó, e rằng khó biết là nó Nói với ai…
NH: Thiên hạ bảo khó tính như bác Đinh, thật chẳng sai! Ông ấy là TTg, thông điệp của Thủ tướng thì thường là gửi cho dân chứ ai nữa…
ĐTL: Thế thì phải xin phép nhắc lại chuyện cũ một tị: TTg VN phát biểu dẫn đề tại diễn đàn Sangri-La vừa qua, nội dung nhằm PR cho đức hoàng đế họ Tập, sau đó, dàn báo cúc cung ở đây thổi lên thành một thứ thông điệp “lòng tin chiến lược” nhằm gửi toàn thế giới, đặc biệt là nhắn riêng ngài Obama…
Lần này cũng vậy. Có ai đó công tác giúp cho TTg một bài viết nhắc khéo rằng “ghế ta vẫn còn đây”, xong rồi Cổng thông tin điện tử Chính phủ long trọng giới thiệu như sau:
Nhân dịp năm mới 2014, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có bài viết: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”. Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Thủ tướng.
Thế là, dưới cái tựa đề mới toanh của Cổng, nó bỗng dưng biến thành “Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”…
NH: Hãy thử dễ tính một chút xem sao, bác Đinh…
ĐTL: Vâng, đó chỉ mới là nhận xét về mặt hình thức “úm ba la – hô biến”, thưa bà. Chứ khi đọc vào bài viết, tôi đoan rằng mọi độc giả đều trở thành những nhà thông thái tất, nhờ “đọc một biết mười”, tức, chỉ cần đọc dòng đầu là có thể đoán đúng được ít ra là mười dòng kế đấy.
Bởi, đã nghe cả rồi, bà ạ! Từ nhiều thập kỷ trước cơ. Nếu không có tư liệu xa xưa thì cứ gúc đôi ba từ khóa, là nó hiện ra đầy. Gần như hiếm một từ nào là chưa được nói tới trong những hội nghị hoành tráng các thứ và các cấp trước đây.
Càng đọc thêm lại càng thấy rõ đó là một chuỗi khẩu hiệu lắp ghép thành nghị quyết, quả đúng là giọng văn nghị quyết của những tay thợ viết rất quen, quen cả từ cái tít dài hơn cầu Long Biên nữa cơ, và ngay sau đó được một loại thợ chuyên phùng mang chu mỏ thổi vào cho thành …thứ khác. Mà, đã là nghị quyết thì người nhận và thi hành đâu cứ phải là …dân? Tôi ngắt lời nhạc bài này để bảo “Nói với ai”, là ở chỗ đó, thưa bà.
NH: Vế đầu ông bảo không rõ là nó nói với ai. Còn vế sau, có cả đá cuội trong đó, thì có vẻ như ông không mấy tin lời TTg?
ĐTL: Cùng những ngày đầu năm này thì Tổng thống Thein Sein của Miến Điện cũng có một số tuyên bố ủng hộ tiến trình sửa đổi hiến pháp bên đó để mọi công dân, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, được coi là đối thủ chính của ông, có thể hội đủ điều kiện ra tranh cử. Điều đó, thưa bà, đáng tin hơn nhiều.
NH: Ông cứ thế, cứ xa xa gần gần mãi… Hãy nói rõ hơn chút coi nào!
ĐTL: Vâng, thì nói rõ nhá:
• Một là lời thệ ước quyết tâm diệt trừ tham nhũng lúc TTg nhậm chức (rằng hễ không diệt được thì từ chức), đã tới đâu rồi bà nhỉ? Hay chỉ mới tới chỗ xác nhận tham nhũng dày đặc hơn, rồi cười trừ?
• Hai là tuyên bố phải có luật biểu tình, rồi ngay sau đó là phóng tay đàn áp, cả nóng lẫn nguội, cả hù dọa lẫn mạnh tay và nặng án… đối với những người yêu nước làm những việc mà luật không cấm hoặc chưa có luật cấm, thì làm sao tin được những lời tiếp nối, cho dù là dưới dạng nghị quyết thành thông điệp?
• Ba là, khuyến khích chính phủ Miến Điện đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đất nước. Họ đã làm, đang được cả thế giới ủng hộ, và đang trên đường Thoát Hán… Trong khi kẻ khuyến khích thì vẫn cố thủ trong lô-cốt giáo điều Mác-Lê-Mao và vẫn cúi đầu thần phục hán triều.
• Bốn là vỗ ngực “nhận trách nhiệm chính trị” về các thua lỗ kinh hoàng của toàn bộ hệ thống tổng công ty và tập đoàn kinh tế, rồi cũng nhất định “không thối thác” ghế thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa, và nhanh chóng ra tay trừng phạt không thương tiếc một đám đàn em/đệ tử như những con vật tế thần, để chạy tội của chính mình. Khẩu hổ tâm xà như thế, hỏi làm sao tin được?…
Bà có đủ thì giờ ngồi đây gọi thêm trà đá để tôi liệt kê tới cái “Ngàn lẻ một là” không? Hay thôi, chỉ đôi điều tiêu biểu thế, nhé!
NH: Nhưng mà, dẫu sao trong cái gọi là “thông điệp đầu năm” này cũng có vài ba điểm mới, ông đừng phủ nhận sạch trơn thế chứ!
ĐTL: Cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng phân hạng 3 loại lừa dối, bao gồm: láo khoét, thậm láo khoét, và thống kê (lies, damn lies & statistics). Nếu ông ấy ở một xứ XHCN, thế nào cũng phải thêm loại thứ tư là “thông điệp”.
Không ai nghe TTg nhắc tới những điểm rất cũ nhưng nổi cộm suốt nhiều năm dài, đặc biệt là năm qua, và luôn mang tính sinh tử đối với nhân dân xứ này, như tham nhũng, giáo dục, y tế… và cả chủ quyền biển đảo. Còn, những từ rất cũ, đã được lặp lại đến vài chục lần trong bài là “dân chủ”, thì nghị quyết nào chẳng có hàng tá? Ngay cả cái điểm mới mà bà nhắc đến đó cũng có một cụm từ thuộc diện “cà lăm” trong những hội nghị xưa giờ:
“Chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
Bà có nghe quen quen, hoặc là quá quen với cụm từ “quyền làm chủ của Nhân dân” đó không? Hay, nó chỉ mới ở chỗ hiếm hoi là từ Nhân dân được viết hoa?
Như vậy, cụm từ có dáng vẻ mới nhất, và có thể làm ngạc nhiên một số độc giả, chỉ là “Đổi mới thể chế ”. Nhưng mà, ngay ở từ “Đổi mới” cũng đã nhắc nhớ cho hàng triệu người về một quá khứ thê thảm (1975-1986) của một VN khánh tận.
Lần này không khác. Hãy đọc kỹ mệnh đề ngay trước đó: “Chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững”! Nó mô tả trọn vẹn tình trạng bất lực của nhà nước, mà đứng đầu guồng máy là TTg chính phủ, cũng chính là kẻ tung ra một cụm từ lạ tai đối với quần chúng bị trị trong một thể chế độc tài độc đảng 83 năm rồi không hề đổi, và cầm chắc là dăm ba cái nghị quyết đại hội tới đây, nếu còn đại hội được, là vẫn quyết tâm …gia tăng sự lãnh đạo của đảng và nhà nước (ghi cả trên dự thảo sửa đổi Hiến Pháp kia!).
Quần chúng có thể gật gù chốc lát, xong rồi vỗ trán, bật ngửa, khi chợt tỉnh trí mà nhớ lại và tự hỏi rằng: Cái thể chế đó có phải là hoàn toàn thuộc về chính phủ, và kẻ đứng đầu chính phủ có toàn quyền thay đổi?
Như thế thì có quá đáng lắm không để nhận xét rằng TTg quyết tâm trị bệnh bất lực (của bản thân và của toàn bộ chính phủ) bằng những từ ngữ đa nghĩa, không cần hiểu mà chỉ cần …mong đợi?
Cái ý niệm gốc nó là thế, thì sá gì những cái ngọn như “hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội” (một khi đã khăng khăng không thể có báo chí tư nhân); “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (một khi côn đồ an ninh sánh vai cùng xã hội đen điều hành xã hội); hay “thực thi các quyền dân chủ trực tiếp để đảm bảo hiệu quả của dân chủ đại diện” (một khi QH chỉ là cơ quan đóng dấu hợp thức hóa mọi nghị quyết của đảng để biến thành chính sách của nhà nước)?…
NH: Ông vẫn nhất quyết không tin vào tài năng của một thủ tướng từng được báo mạng của các Cty rác nước ngoài ca tụng là xuất sắc nhất vùng Đông Nam Á?
ĐTL: Mấy người bạn tên Tâm vẫn bảo chẳng đời nào tôi theo (kịp) họ. Lực bất tòng Tâm, bà ạ. Tôi muốn tin lắm chứ, nhưng thực tế cứ đẩy ngược tôi ra khỏi những cánh cửa hy vọng (cho dù chí ít đã hai lần Lực tôi công khai thách thức TTg tranh luận về 32 điều “phải làm” mà tự thân TTg liệt kê ra).
Tuy nhiên, lần này, qua cái gọi là thông điệp đầu năm 2014 này, tôi đã có thể xác định được với chính mình, là TTg đương nhiệm có rất nhiều Cá tính nổi trội.
Thứ nhất là …Cá Đối: Một khi muốn vượt trội một bọn sàng sàng một lứa bằng đầu, TTg đã xài tới chiêu tranh chữ cùng bác Tổng, vốn là một cây đa (có bằng) trong làng lý luận và sản suất khẩu hiệu.
Thứ nhì là Cá Vồ: Ngài TTg nổi tiếng ăn tạp và ăn chia, tuyền những thứ Chủ trương lớn như Bôxít Tây Nguyên, Vinashin, Vinalines,… mà dám rộng họng đòi đổi mới cái thể chế ăn tạp và ăn chia đó.
Thứ ba là Cá Cọp: Ngày đầu năm dương lịch mà TTg vẫn quen với Tết truyền thống, vội mở sòng bầu cua, định gom bạc cắc của những ai có thừa hy vọng đặt cược vận mệnh của mình và con cháu mình vào ô cá cọp…
NH: Thôi, thôi! Ông vui lòng dừng lại ở đây trước khi làm nhục cả cá heo, cá voi, cá nục…
ĐTL: Vâng, thế thì dừng thôi. Cảm ơn bà đã mời cà phê sáng nay. Nhưng cho phép tôi nói thật: Kẻ cần phải dừng lại nhất chính là TTg. Dường như ở hắn (và bộ hạ của hắn), mọi thứ đều xơi, trừ cái phanh không xơi… Hắn đã diễn hài tại nước Pháp (“ở châu Âu và trên thế giới”), mới đây, với TTg Pháp (“Giăng Mắc Ê-Rô”), và kéo dài vở diễn về tới đây, trong ngày đầu năm, bằng cách tương lên mạng một “Thông điệp Quá chén ngày Xuân”.
Có người nuôi hy vọng vào những lời có cánh (vút cao và sắp hạ) này. Có người muốn khích cho mọi thứ lộng giả thành chân. Riêng Lực tôi chân thực nghĩ rằng: Có lẽ TTg không nên tranh đua hơn thiệt chi nữa với bác Tổng về thứ Trò Đùa Cao Cấp bằng loại ngôn ngữ từng giết dân mình suốt tám thập kỷ qua, thế này. Nhé!
05-01-2014 – Kỷ niệm tròn 46 năm ngày nhậm chức của Alexander Dubček, mở đầu cho Mùa Xuân Praha và một biển máu dưới tay hồng quân Liên Xô và khối Warsaw sau đó.
Blogger Đinh Tấn Lực xả băng ghi âm.
http://dinhtanluc.wordpress.com/noi-voi-ai-lam-vien-da-cuoi/
Trung Quốc chiếu cảnh tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam
BBC
Đài Truyền hình Trung Quốc vừa chiếu cảnh tàu Hải giám Trung Quốc đâm vào tàu của Việt Nam trên Biển Đông dù không nói rõ ở đâu.
Phim tài liệu 'Canh gác Biên cương Xanh' của đài CCTV-4 có đoạn dài bốn phút ghi cảnh tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam tại vùng biển mà CCTV-4 nói là của Trung Quốc trên Biển Đông, theo trang tin Shanghaiist.
Đài truyền hình Trung Quốc không nói rõ địa điểm xảy ra va chạm.
Sự cố được nói là xảy ra hôm 30/6/2007, một ngày sau khi hai tàu Hải giám của Trung Quốc nhận lệnh ra giải cứu tàu nghiên cứu hải dương của họ đang bị tàu của Việt Nam áp sát.
Video clip, vốn cũng xuất hiện trên YouTube, cho thấy tàu Hải giám mang số hiệu 83 và 51 với sự hộ tống của máy bay trực thăng đã gọi loa yêu cầu các tàu Việt Nam rời khỏi vùng biển mà
họ nói là thuộc "quyền tài phán của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".
Tiếng loa từ tàu Hải giám 83 kêu gọi:
"Quý vị cần chấm dứt ngay lập tức việc cản trở tàu của chính phủ Trung Quốc."
CCTV nói tàu Việt Nam lùi lại khi thấy các tàu Hải giám nhưng không rời "vùng hoạt động" của các tàu Trung Quốc khiến tàu nghiên cứu hải dương không thể hoạt động.
Một chỉ huy tàu Hải giám được dẫn lời nói trước cảnh tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam:
"Từ kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, tấn công dễ hơn nhiều so với phòng thủ."
Hình ảnh trên truyền hình Trung Quốc cho thấy 12 tàu Trung Quốc sau đó đã lập vòng tròn bao vây sáu tàu của Việt Nam đang chặn đường tàu nghiên cứu hải dương.
Các tàu Việt Nam cũng dùng loa kêu gọi tàu Trung Quốc rời khỏi "vùng biển Việt Nam".
CCTV nói tàu Việt Nam cũng không tuân theo các quy định tránh va chạm và "liên tục tiến sát" tàu nghiên cứu hải dương của Trung Quốc để "phá hoại" hoạt động của tàu này.
Đây là thời điểm chỉ huy lực lượng hải giám ra lệnh tấn công khiến một trong số các tàu hải giám tông vào tàu Việt Nam.
Một sỹ quan chỉ huy của tàu Hải Giám 74 được dẫn lời nói:
"Thật lòng, với tư cách là những người chỉ huy, chúng tôi thấy căng thẳng khi phải ra lệnh này vì thường chúng tôi hay dạy thủy thủ của chúng tôi hành động một cách an toàn, thực hiện các biện pháp an toàn để tránh va chạm.
"Nhưng rồi, chúng tôi lại bảo họ đâm các tàu khác. Dù kết cục tốt đẹp, bản thân hành động đó gây đe dọa nhất định tới sự an toàn của họ."
'Xua đuổi toàn bộ'
Đoạn phim tài liệu của CCTV mô tả vụ đâm tàu:
Chinese coast guard vessel hits Vietnamese ships in South China Sea
http://www.youtube.com/watch?v=xzaBjIbQJlI
Một số tàu Hải giám Trung Quốc đâm vào các tàu Việt Nam
"Hải giám 74 nhận lệnh, tăng tốc tiến về phía đuôi của tàu đối thủ [mang số hiệu] DN35.
"Họ tăng tốc để tránh chúng tôi.
"Hải giám 71 đuổi kịp và đâm trúng đuôi tàu [DN35].
"Trong lúc đó Hải giám 72 lao tới mạn phải và đâm vào giữa tàu.
"Mũi tàu chúng ta chĩa thẳng vào cabin tàu của họ và đẩy họ lùi lại...
"Cùng lúc đó một tàu khác của họ cách đó 200m lao tới cứu [DN35].
"Họ toan đâm vào Hải giám 72.
"Hải giám 72 đổi hướng và chĩa mũi vào tàu [Việt Nam].
"Tàu DN29 tăng tốc và nhắm vào tàu nghiên cứu hải dương [của Trung Quốc] lao tới.
"Tàu Hải giám 51 phản ứng nhanh vào chĩa mũi vào cabin tàu [DN29].
"Cuối cùng chúng tôi đã xua đuổi được toàn bộ [tàu Việt Nam] khỏi vòng vây của chúng ta."
Phim tài liệu của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp diễn.
Một số báo Việt Nam đang đưa tin về sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa 40 năm về trước.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/01/140105_su_co_bien_dong_giua_vn_va_tq.shtml
UBND TP Hà Nội lươn lẹo để chiếm đất ở của dân
Cầu Nhật Tân
Một số gia đình cụm 2 và cụm 3 phường Nhật Tân (trong đó có nhiều gia đình chính sách) phản ánh họ bị chính quyền quận và thành phố dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt đất ở hợp pháp của công dân. Hiện đất đai của các hộ dân này bị UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) phong tỏa không cho chia tách, giao dịch. Nhiều gia đình có nhu cầu dựng vợ, gả chồng cho con cái ra ở riêng đang rơi vào cảnh sống dở chết dở vì chính quyền không cho chia đất, Công an không cho tách hộ khẩu riêng. Được biết, TP Hà Nội đang thừa rất nhiều nhà khách nhưng vẫn vẽ ra thêm dự án đầu tư xây dựng nhà khách mới tại phường Nhật Tân để chiếm mảnh đất vàng sát Hồ Tây nơi có 37 hộ dân đang sinh sống hợp pháp từ lâu đời.
Ngày 30/1/2002, UBND thành phố HN ban hành quyết định số 899/QĐ-UB “tạm giao” 17340m2 đất tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho Nhà khách UBND thành phố để lập
phương án bồi thường GPMB và chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư. Trong đó, 14979,5m2 đất do Công ty xây dựng Hồng Hà quản lý và 2360,5m2 do Công ty đầu tư khai thác Hồ Tây thuê của Nhà nước.
Gần 3 năm sau, ngày 28/12/2004, UBND TP Hà Nội mới hợp lý hóa bằng quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà khách.
Việc UBND thành phố ban hành quyết định tạm giao 17340m2 đất tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho Nhà khách UBND thành phố là chưa đúng với Luật Đất đai 1993 vì trong luật không quy định việc tạm giao đất, chưa đúng với Thông tư số 207/4/2001/TT-TCĐC của Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên- Môi trường) về hướng dẫn trình tự lập, xét duyệt hồ sơ xin giao đất, thuê đất đối với tổ chức, cá nhân…
Thay vì hủy bỏ quyết định trái pháp luật trên, ngày 2/3/2006, UBND TP Hà Nội lại tiếp tục ra Quyết định số 1091/QĐ-UB thu hồi 24137m2 đất tại phường Nhật Tân giao Ban quản lý dự án Văn phòng UBND thành phố để đầu tư xây dựng Nhà khách UBND thành phố Hà Nội. Lần này, QĐ thu hồi đất đã “nở” thêm 6797m2 và ăn gọn đất ở của 37 hộ dân tại cụm 2 và 3 phường Nhật Tân.
Điều khuất tất là: theo Điều 6 của quyết định này thì sau 12 tháng nếu Ban quản lý dự án Văn phòng UBND thành phố Hà Nội chưa thực hiện nội dung quy định thì UBND quận Tây Hồ phối hợp với Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường và Nhà đất lập hồ sơ, trình UBND thành phố thu hồi quyết định giao đất.
Thế mà hơn 5 năm sau, UBND Thành phố Hà Nội mới có công văn số 4624/UBND-XD ngày 13/6/2011 đồng ý về nguyên tắc để Tập đoàn Thái Bình và Nhà khách UBND Thành phố Hà Nội hợp tác liên doanh lập và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà khách UBND Thành phố Hà Nội tại 584 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 648/KH&ĐT ngày 28/02/2011.
Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã có tới 3 nhà khách rất lớn tại phố Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng và Lương Ngọc Quyến. Việc sử dụng những nhà khách này đang hết sức lãng phí và trái với quy định của pháp luật. Cụ thể, nhà khách 11-13 Lương Ngọc Quyến mặc dù là tài sản nhà nước nhưng đã bị UBND TP Hà Nội cho tư nhân thuê lại làm kinh doanh du lịch và mát-xa. Nhà khách 23 Nguyễn Đình Chiểu thì bị cho thuê để bán bia hơi và làm quán nhậu. Nhà khách Phan Đình Phùng thì rơi vào tình trạng sử dụng với công suất cực thấp và nghe nói sắp cho thuê.
Như vậy, sự việc đến đây đã rõ. Dự án đầu tư nhà khách UBND TP Hà Nội là một liên doanh sinh lợi nhuận cho doanh nghiệp mà phần vốn chiếm đa số là của doanh nghiệp tư nhân Thái Bình. Ai cũng biết, UBND TP Hà Nội đẩy nhà khách và VP thành phố ra làm bình phong nhằm phục vụ việc chiếm đoạt đất của dân với một quy trình trái pháp luật và hết sức lươn lẹo. Công an, các cơ quan chức năng khác của quận và thành phố cũng bị buộc phải vào cuộc để thực hiện “nhiệm vụ chính trị” này.
Nguồn: http://caunhattan.wordpress.com/2014/01/05/ubnd-tp-ha-noi-luon-leo-de-chiem-dat-o-cua-dan-phuong-nhat-tan/
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.