Bỏ cái gì cũng được, trừ Điều 4
J.B Nguyễn Hữu
Vinh
2013-05-30
Một
người bán hàng rong đi qua một tấm áp phích đánh dấu kỷ niệm 83
năm ngày thành lập ĐCS VN tại Hà Nội hôm 03/2/2013
AFP
photo
Từ
đầu năm đến nay, sau khi nhà nước nổi hứng mở đợt Góp ý dự thảo sửa
đổi Hiến Pháp, người dân khá ngỡ ngàng. Lạ thật, bản Hiến Pháp
1992 đang là một thứ bùa khá tốt, đảm bảo cho “Đảng ta” một vị thế
mà có mơ bảy đời, thì Tổng thống Mỹ Obama cũng không bao giờ có
được, có tu mười đời, thì Tổng thống Nga Putin cũng chẳng bao giờ
dám mơ tới, chưa nói mấy ông tổng thống “lặt vặt” ở các nước nhược
tiểu cỡ Thái Lan hoặc Australia… Tất cả là nhờ ở Điều 4 của cái gọi
là Bản Hiến pháp 1992 mà một số tờ báo đã ghi sai chính tả thành
"Hiếp pháp".
Điều 4?
Điều
4 là gì mà quan trọng vậy? Nguyên văn Điều 4: “Ðảng Cộng sản Việt
Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu
trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động
và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Ðảng
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Chính
điều này đã đảm bảo cho “Đảng ta” một vị thế vững và “chắc như cua
gạch”, khi luật hóa một điều lạ lùng mà ở các nước khác không hề
có. Điều này cũng giống như ở trong một làng, có bản Hương ước
ghi rằng: Sau khi cướp được ngôi vị ở làng này, chỉ có một
mình gia đình Đ. làm bố cả làng. Đ. là gia đình của trí tuệ, đạo
đức và văn minh, là đại diện cho cả làng. Không ai được xúc phạm
gia đình Đ, bảo gì phải nghe nấy, tích cực làm việc để cống nạp
nuôi gia đình Đ. sống phong lưu. Ai chống lại gia đình Đ. có
nghĩa là chống lại cả làng. Tất cả quân binh, lính lệ… đều chỉ
trung thành tuyệt đối và bảo vệ gia đình Đ. Gia đình Đ. có quyền làm
bất cứ việc gì cả làng không được thắc mắc, chỉ được nghe và làm theo.
Gia đình thực hiện chính sách cha truyền rồi con nối để lãnh đạo làng.
Nếu làm tốt thì gia đình được công, xấu thì cả làng phải chịu. Dù
cho gia đình Đ. bố mẹ có dâm loạn, con cái chuyên trộm cướp cũng
nghiến răng mà chịu, cũng phải im mà ca ngợi… và chỉ được ca ngợi
mà thôi”.
Vậy
còn đòi gì hơn nữa mà phải bày đặt? Nhiều người đặt dấu hỏi như vậy.
Và họ tự tìm cách trả lời: Phải chăng, Đảng và Nhà nước ta đã
nghĩ lại, đã nhìn thấy mình và hồi tâm, đổi tính để quyết định lần
này thì thật sự trao lại cho nhân dân quyền của họ? Phải chăng, Đảng
đang thực hiện một điều mà Đảng hô hào từ đời tám hoánh nào đó rằng:
“Phải nhìn thẳng vào sự thật”, nhưng từ khi hô hào khản cổ
điều này, thì có lẽ chưa bao giờ họ dám nhìn thẳng vào sự thật lần
nào. (Nếu bạn không tin, hãy mở các báo cáo chính trị, nghị quyết
ra mà đọc lại). Chẳng thế mà ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UB Luật
pháp Quốc hội đã khẳng định ngay từ đầu là việc góp ý “không
có vùng cấm, kể cả góp ý về điều 4”.
Hưởng ứng hay phản ứng
“Được
lời như cởi tấm lòng”, hàng vạn người đã nhiệt tình hăng hái đưa
ra các ý kiến góp ý cho Bản dự thảo Hiến pháp mới với tất cả tâm huyết
của mình, những dồn nén nay mới có dịp bung ra. Điển hình là 72 nhân
sĩ, trí thức của đất nước, đã ngày đêm thao thức và đưa ra một bản
Kiến nghị, góp ý về sửa đổi Hiến Pháp 1992 để gửi đến Quốc Hội. Bản
văn này đã lập tức có tiếng vang lớn, hàng chục ngàn người đã lập
tức ủng hộ và ký tên. Tiếp theo, đại diện của 8 triệu giáo dân
Công giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) cũng đã gửi
một bản nhận xét và góp ý” về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Bản
văn này đã được sự đón nhận hết sức mạnh mẽ và hào hứng, không chỉ
với người Công giáo mà cả xã hội.
Những
bản Góp ý tâm huyết không ngại “vùng cấm” nói trên, đã vạch ra rất
rõ những bất hợp lý, những ý nguyện của người dân để mong xã hội
tốt đẹp, đất nước phát triển… đã lập tức cho thấy rõ sự ngược ngạo
của những điều vô lý còn tồn tại. Ở đó, người ta vạch rõ nội dung
một số điều đã mâu thuẫn với nhau như nước và lửa, đồng thời yêu
cầu có thay đổi. Một chế độ chính trị thật sự “của dân, do dân,
vì dân” đã được đệ trình và vạch rõ qua các bản góp ý dự thảo Hiến
pháp.
Hãy
xem một đoạn trong bản Góp ý của HĐGMVN như sau:
“Dự
thảo khẳng định quyền tự do ngôn luận (điều 26), quyền sáng tạo
văn học, nghệ thuật (điều 43), quyền tự do tín nguỡng, tôn giáo (điều
25). Tuy nhiên, ngay từ đầu, Dự thảo lại khẳng định đảng cầm quyền
là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa
Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” (điều
4). Như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tư do
ngôn luận và sáng tạo văn học, nghệ thuật, bởi lẽ tư tưởng đã bị
đóng khung trong một chủ thuyết rồi? Tương tự như thế, phải hiểu
thế nào và làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi
lẽ chủ nghĩa Mác-Lênin tự thân là chủ nghĩa vô thần? Phải chăng
những quyền này chỉ là những ân huệ được ban cho nhân dân tùy lúc
tùy nơi, chứ không phải là quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, và bất
khả nhượng? Hiến pháp cần phải xóa bỏ những mâu thuẫn và bất hợp lý
này, thì mới có sức thuyết phục người dân và thu phục lòng dân.
Trong
thực tế, sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm
hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam. Ðây là một trong những
lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về
nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật…”.
Rất
nhiều văn bản, bài viết đã phân tích rất rõ: Chính nội dung điều 4 đã phủ nhận và chống lại
nhiều điều khoản còn lại của bản Hiến pháp hiện nay và bản Dự thảo
đã ban hành.
Không thể bỏ điều 4?
Một
người dân đạp xe ngang qua một áp phích tuyên truyền cho ĐCS ở Hà
Nội hôm 05/3/2013. AFP photo
Ngay
lập tức, dàn báo chí và các nhà lý luận đã được tung ra giải thích
và khẳng định: "Không thể xóa bỏ điều 4" với muôn vàn
lý do. Nhưng, lý do chủ yếu là do Đảng có công lao, đảng là duy
nhất có năng lực, đạo đức… để lãnh đạo đất nước này mà thôi. Đọc
những lời đó, người ta có cảm giác rằng từ khi khai sinh lập địa
ra đất nước, dân tộc này, chỉ có một mình Đảng CS là có công, và
hơn thế nữa, chỉ có mỗi Đảng CS là đạo đức, văn minh…
Những
lý luận quanh co, những lập luận luẩn quẩn nói lấy được đó không
làm người nghe hài lòng hoặc khâm phục. Chủ yếu là tiếng nói của những
kẻ cầm súng hoặc dựa vào chiếc dùi cui. Người ta nói những lời đó
với tâm trạng của kẻ “cả vú lấp miệng em”. Còn người nghe những lời
đó với tâm trạng “chấp chi đám bồi bút”. Vấn đề cuối cùng là lòng
dân vẫn hiểu, vẫn biết Đảng đang muốn gì.
Qua
theo dõi mọi người đều thấy rằng, các văn bản Kiến nghị, góp ý để
bản Dự thảo Hiến pháp thật sự đúng nghĩa của Hiến Pháp đã không hề
yêu cầu xóa bỏ điều 4 trong bản Hiến Pháp. Còn cá nhân tôi, tôi
khẳng định rằng không thể bỏ điều 4 trong một bản Hiến Pháp, bởi
nhiều lý do rất thực tế.
Trong
thực tế, nhiều nơi, nhiều nước đã kiêng con số 13. Theo lời giải
thích là vì bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với 12 môn đệ, tất cả
có 13 người. Người thứ 13 đó là Giuđa Ixcariot đã phản bội mà bán
Chúa Giêsu là thầy của mình lấy 30 đồng bạc. Vì thế, con số 13 là
con số của kẻ phản bội nên bị kiêng. Thậm chí, có những ngôi nhà,
cửa hàng, ghế máy bay không có tầng thứ 13, hàng ghế số 13 mà chỉ
từ 12 rồi lên 14 hoặc đi qua 12B.
Với
người dân Việt Nam ngày nay, con số 4 tương tự như con số 13 độc địa
kia. Nhưng không thể vì mê tín mà đòi xóa bỏ điều 4 trong Bản Hiến
pháp. Một bản Hiến pháp không thể nhảy cách dòng từ điều 3 lên điều
5 mà bỏ qua điều 4. Mặt khác một bản Hiến Pháp không thể chỉ có 3
điều để không có điều 4. Do vậy, vẫn phải có điều 4.
Vấn
đề là ở chỗ, cần phải thay đổi triệt để, xóa bỏ nội dung điều 4 hiện
tại để thay thế vào đó một điều tiến bộ hơn và là ý chí của toàn dân
nhằm xây đựng đất nước vững mạnh, tiến bộ.
Nhưng,
điều đó thì “Đảng ta” lại không muốn, thậm chí bằng mọi giá phải
giữ bằng được những nội dung đó. Nghĩ cho cùng thì cũng đúng
thôi, với uy tín của Đảng trong nhân dân cao vời vợi như hiện
nay, với sự trong sạch, đạo đức của Đảng, khối đoàn kết nhất trí
và sức mạnh của Đảng như hiện nay, nếu bắt phải bỏ những nội dung
trong điều 4 thì có khác gì buộc Đảng tự sát tập thể. Mà chẳng ai
muốn tự sát khi quyền lực đầy mình, của cải vô biên.
Đó
mới là mâu thuẫn chính giữa Đảng và dân trong quá trình xây dựng
Hiến Pháp ở Việt Nam.
Giải pháp nào?
Để
xã hội không bị loạn lạc, vô kỷ cương và đất nước có thể tồn tại,
không thể để chứa đựng những mâu thuẫn như nước với lửa trong bản
Hiến pháp hiện nay. Cần tìm một giải pháp khả dĩ để loại trừ điều
đó.
Thực
ra, cũng có một giải pháp rốt ráo nhằm có một bản Hiến Pháp không
chứa đựng mâu thuẫn đối kháng như hiện nay. Đó là:
-
Hoặc thay đổi triệt để nội dung của Điều 4 Hiến pháp hiện hành,
đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân muốn xây dựng một xã hội tiến
bộ, dân chủ, công bằng, văn minh. Nếu theo giải pháp này, sẽ rất
cần phải mất công mất sức hoàn chỉnh luật lệ, hệ thống quyền lực,
pháp lý… đáp ứng được nhu cầu xã hội.
-
Trường hợp không thể thay đổi nội dung điều 4. Thì giải pháp thứ hai
nên bàn tới, đó là chỉ để mỗi nội dung điều 4 và bỏ hết tất cả những
điều còn lại.
Xin
đừng vội cho rằng điều này phi lý, thậm chí sẽ rất ưu việt là khác.
Trước mắt là đối với nền kinh tế đang què quặt, ốm yếu và khủng hoảng
hiện nay.
Khi
đó, cả xã hội sẽ được điều khiển bằng Nghị quyết, bằng chỉ thị, bằng
mệnh lệnh và nhiều khi bằng ý thích của một cá nhân nào đó có quyền
lực trong Đảng. Điều này xã hội Việt Nam thừa sức thực hiện và đã
được chứng minh qua thực tế một thời gian dài. Hiện nay, Bắc Triều
Tiên hình như cũng đang thực hiện mô hình đó xuất sắc để đảm bảo
vai trò “côn đồ quốc tế”.
Bởi
hệ thống Đảng đã thành một bộ máy hoàn chỉnh, song trùng với hệ thống
chính quyền từ Trung ương đến địa phương, tất cả đang hưởng lương
từ túi người dân. Nếu theo giải pháp này, chúng ta có thể giải
tán được tất cả mọi cơ quan thuộc chính quyền dân sự, các cơ quan
mặt trận, đoàn thể, hội đoàn… là một bộ máy song trùng hoàn chỉnh
thứ 2 cũng từ Trung ương đến địa phương và nuôi bằng ngân sách
nhà nước.
Nếu
theo đúng giải pháp này, lượng người ăn lương của Việt Nam sẽ giảm
từ hơn 7 triệu hiện nay xuống chỉ còn gần 3 triệu người ngay lập tức.
(Đơn giản là vì con số Đảng viên hiện nay chỉ có như vậy). Như thế,
một lượng ngân sách khổng lồ đã được tiết kiệm cho nhân dân.
Về
mặt xã hội, khi đó không còn bộ máy cồng kềnh và các công việc phức
tạp,. Hệ thống Pháp lý được giảm bớt khối lượng công việc khổng lồ.
Việc xử án, điều tra hoặc truy tố, chẳng cần đến các bộ phận
riêng rẽ như Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án. Đơn giản là chỉ cần
Ban Nội chính họp một buổi là có án. Từ trước đến nay dù có ban bệ,
cũng nội dung là thực hiện nghị quyết như vậy thôi.
Tương
tự, cả xã hội sẽ được điều hành một cách ngăn nắp, trật tự và
hoàn toàn đơn giản bởi bộ máy cảnh sát, công an…
Khi
đó, sẽ không có cảnh chính phủ phải phát động những phong trào tốn
kém mà mục tiêu lại hạn chế như “Trồng năm triệu ha rừng”. Bởi
khi đó, cả nước sẽ là rừng bao phủ, ít nhất về mặt luật pháp.
Về
mặt kinh tế, mọi cơ quan phức tạp sẽ được lược bỏ, chỉ cần cấp
ngân sách xây thêm nhà tù.
Đó
là những mối lợi lớn của giải pháp này cần nghiêm túc nghiên cứu
cho hoàn chỉnh, hỡi các nhà lý luận.
Bài
viết trích từ trang blog cá nhân của J.B Nguyễn Hữu Vinh. Nội
dung không phản ảnh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
|
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.