Nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan
đến nước
Việt
Hà, phóng viên RFA
2013-08-13
2013-08-13
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý
kiến của Bạn
- Email
Một phụ nữ Việt Nam đang
giặt quần áo tại một dòng sông
AFP photo
Thống kê mới đây của Bộ
Y tế Việt Nam, 20% dân số Việt Nam đang phải sống trong điều kiện thiếu vệ
sinh. Đây là nguy cơ có thể dẫn đến các bệnh liên quan đến nước.
Thiếu nước sạch và thiếu
nhà vệ sinh
Thiếu nước sạch và nhà
vệ sinh hợp tiêu chuẩn đang là một trong những thách thức lớn tại Việt Nam hiện
nay, nơi có đến 20% dân số vẫn đang phải sống trong điều kiện thiếu vệ sinh,
theo số liệu thống kê mới được công bố gần đây của Bộ Y tế. Thậm chí theo
UNICEF, tỷ lệ này còn cao hơn, ở mức 26,2%, tức cứ 4 người dân Việt Nam, có 1
người đang sống trong điều kiện không hợp vệ sinh, đặc biệt là ở các vùng nông
thôn.
Điều kiện vệ sinh kém là
nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh
Long cho báo chí biết, tại Việt Nam hiện nay một số dịch bệnh nguy hiểm lây
truyền theo đường tiêu hóa mà nguyên nhân là do người dân tiếp xúc phải nguồn
nước bẩn vẫn chưa được thống kê một cách triệt để. Thậm chí những bệnh dịch
nguy hiểm như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn,
đặc biệt là bệnh tay chân miệng còn có nguy cơ bùng phát bất kỳ lúc nào. Tỷ lệ
người bệnh tử vong luôn ở mức cao trong thời gian gần đây.
Nói về tình trạng thiếu
nhà vệ sinh, nước sạch tại Việt Nam hiện nay, bà Sandra Bisin, Phụ trách đối
ngoại của UNICEF tại Việt Nam cho biết:
Tỷ lệ người dân được
tiếp cận với nước sạch và hợp vệ sinh từ năm 1990 đến 2006 là 59% và 47%. Tuy
nhiên nếu xem xét con số thống kê của Bộ Y tế vào năm 2006, chúng ta sẽ thấy
52% người sống ở nông thôn được tiếp cận với nước hợp vệ sinh, chỉ có 15% người
được tiếp cận với nước sạch đáp ứng đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nếu nhìn vào
tình trạng nhà vệ sinh, trong khi 75% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà vệ sinh
thì chỉ có 18% số này có nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn. Nếu
nhìn vào trường học, chỉ có 65% các trường trên toàn quốc được tiếp cận với
nước hợp vệ sinh và 11% có nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn.
Tại nhiều vùng nông thôn
và vùng xa ở Việt Nam hiện nay, người dân vẫn chủ yếu lấy nước từ các nguồn
nước mặt hoặc giếng nông không hợp vệ sinh. Ông John Anner, Chủ tịch Quỹ Đông
Tây hội ngộ, một tổ chức phi chính phủ đã có hơn 15 năm thực hiện các dự án
cung cấp nước sạch tại các vùng nông thôn miền Trung Việt Nam, cho biết:
Tại Việt Nam, việc tiếp
cận với nước sạch là hết sức khó khăn, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và nông
thôn. Những bệnh có liên quan đến nước là nguyên nhân gây ra bệnh tật ở trẻ và
người lớn, khiến trẻ không được đến trường do ốm đau, bị đi ngoài do uống nước
không sạch. Phần lớn nước ở các vùng nông thôn Việt Nam bị ô nhiễm. Người
dân lấy nước từ nguồn nước mặt, nước giếng đào nông. Phần lớn các nguồn nước
này đều nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút…
Tại Việt Nam, việc tiếp cận với nước sạch là hết sức khó khăn, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và nông thôn.
- Ông John Anner
Việc thiếu nước sạch và
nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ em Việt Nam.
Phần đông trẻ ở Việt Nam hiện nay đều bị các bệnh về giun sán. Giun sán và tiêu
chảy cũng dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam. Bà Sandra Bisin
nói tiếp:
Vấn đề vệ sinh và các
bệnh từ nước có thể coi là đang rất phổ biến với 44%
trẻ em bị nhiễm giun kim, giun móc. Và đây chính là
nhân tố chính dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Cũng theo tính toán của
Bộ Y tế, nếu tất cả các gia đình đều có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn thì tỷ lệ
trẻ em bị nhẹ cân giảm xuống 1 đến 10%, tỷ lệ trẻ em bị thấp còi sẽ giảm từ 4
đến 16%. Hiện tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở Việt
Nam vào năm 2013 là 20,5%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi là 30,8%.
Thống kê của tổ chức Y
tế thế giới năm 2008 cho thấy có 20,000 người Việt Nam bị
chết hàng năm do nguyên nhân từ nước ô nhiễm và mất vệ sinh.
Các bệnh phổ biến từ
nước
Công nhân vệ sinh môi
trường đang làm sạch một con kênh ở Hà Nội hôm 23/11/2012. AFP photo
Ngoài giun sán, một số
các bệnh nguy hiểm từ nước khác cũng đang là nguy cơ đe dọa đối với người dân
Việt Nam như tiêu chảy, tả, tay chân miệng. Đây là những bệnh dịch đã trở nên
khá phổ biến ở Việt Nam trong những năm trở lại đây.
Tiêu chảy được coi là
một trong những bệnh từ nước phổ biến nhất hàng năm ở Việt Nam, đặc biệt ở trẻ
em vào dịp hè. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tiêu chảy là một
trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở Việt Nam
trong các năm qua. Riêng năm 2009 đã có đến hơn 930 ngàn ca mắc bệnh tiêu chảy
trong đó có 4 người tử vong. Đáng chú ý hơn cả là bệnh dịch tả cũng đã tái xuất
hiện ở Việt Nam. Năm 2008, Việt nam phát hiện 853 ca bệnh tả. Con số này giảm
xuống còn 3 ca vào năm 2011.
Nói về sự nguy hiểm của
bệnh dịch tả, bác sĩ Robert Quick, chuyên gia dịch tễ học thuộc Cơ quan Phòng
chống dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết:
Vào ngày 23 tháng 10 năm
2010, bệnh dịch tả bùng phát ở Haiti, nơi thiếu nước sạch. Khi tả xuất hiện, nó
có thể dễ dàng lây lan từ nước thải đến nước sạch, và trong 2 tháng đã lan ra
khắp nơi ở nước này, làm hơn 170,000 người nhiễm bệnh và làm tử vong hơn 36,000
người tính cho đến cuối tháng 12 cùng năm. Ngay bây giờ khi số người nhiễm tả
đã giảm, số người tiếp cận nước sạch đã tăng nhưng vẫn có những ca nhiễm tả
xuất hiện. Dịch bệnh này ở Haiti nhắc nhở cho chúng ta thấy là khi người ta thiếu
nước sạch để uống, họ có nguy cơ bị nhiễm dịch tả chừng nào tả còn tồn tại ở
bất cứ nơi nào trên thế giới.
Bác sĩ Robert Quick giải
thích về các triệu chứng của người bị tả như sau:
Tả là một dạng tiêu chảy
nặng nhất gây nên bởi một dòng vi khuẩn là vibrio Cholerae là loại vi khuẩn
tiết ra chất độc. Trong vòng 12 đến 24 tiếng sau khi uống phải nước nhiễm vi
khuẩn tả, hoặc ăn phải thực phẩm có tả, chất độc sẽ gây tiêu chảy mạnh, dẫn đến
mất nước, mất cân bằng điện giải và sốc, gây nôn mửa, chuột rút. Trong vòng 1
giờ, người bệnh sẽ mất nước nghiêm trọng và có thể mất đến 10% trọng lượng cơ
thể và dẫn đến tử vong.
Theo phác đồ điều trị
bệnh tả của Bộ Y tế Việt Nam, những người bị bệnh ở thể nhẹ có thể chữa trị
bằng cách uống Oresol pha với nước đun sôi để
nguội. Trườn hợp không có Oresol, có thể thay thế bằng cách pha nước với đường,
muối hoặc nước cháo. Bệnh nặng cần được cấp cứu ở bệnh viện.
Bệnh tiêu chảy và tả
không chỉ đến từ việc uống nước bẩn mà còn do ăn các hải sản bị nhiễm các vi
khuẩn này và không được nấu chín như nghêu, sò, hến, cua…
Vấn đề vệ sinh và các
bệnh từ nước có thể coi là đang rất phổ biến với 44% trẻ em bị nhiễm giun kim,
giun móc. Và đây chính là nhân tố chính dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ
em.
- Bà Sandra Bisin
- Bà Sandra Bisin
Bệnh tay chân miệng cũng
là căn bệnh có thể lây lan do tình trạng mất vệ sinh, thiếu nước, và trở nên
khá phổ biến ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Năm 2008, số ca mắc bệnh này là
2,000 người với 11 ca tử vong. Đến năm 2011, số ca mắc bệnh tay chân miệng đã lên
đến hơn 100,000 người với số ca tử vong là 167 trường hợp.
Theo các bác sĩ thì đây là bệnh dịch lây nhiễm nhanh nhưng có thể ngăn ngừa
được bằng các biện pháp vệ sinh tích cực như rửa tay chân bằng nước sạch với xà
phòng.
Nhận biết được tầm quan
trọng của nước sạch với sức khỏe, từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, chính
phủ Việt Nam, với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới,
UNICEF,… đã thực hiện các dự án cung cấp nước sạch cho người dân, các chương
trình xây dựng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn ở các vùng nông thôn, vùng sâu và
vùng xa. Mục tiêu mà chính phủ đưa ra là đến năm 2020, sẽ có 100% người dân
nông thôn có nước sạch. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu 100% trường tiểu học và
mẫu giáo có nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn vào năm 2010.
Theo các chuyên gia của
Liên hiệp quốc, đây là những mục tiêu khá tham vọng của Việt Nam. Nhưng để đạt
được các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, đảm bảo sức khỏe của người
dân và phát triển bền vững, Việt Nam có lẽ không còn con đường nào khác ngoài
việc phải nỗ lực để đạt được những mục tiêu mà mình đặt ra.
Xin quý vị chia sẻ các
thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe
đời sống tại email vietha@rfa.org
hoặc www.facebook.com/vietharfa
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã đọc và cho Ý kiến.